Quà lưu niệm Hà Nội: Cần một biểu trưng xứng đáng

ANTĐ - Nếu du lịch Thái Lan tập trung quảng bá cho hình ảnh voi từ nhiều năm nay, Singapore “lăng xê” tượng hải sư trên đủ loại đồ lưu niệm, hình ảnh tháp Angkor của Campuchia xuất hiện ở khắp mọi nơi… thì Việt Nam bao năm nay vẫn loay hoay tìm hình ảnh biểu trưng trên các sản phẩm lưu niệm.  

Sản phẩm lưu niệm phải mang đặc trưng văn hóa địa phương

Quảng bá bằng quà lưu niệm

Thái Lan không chỉ là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của khu vực Đông Nam Á mà còn là một thiên đường mua sắm đúng nghĩa. Không chỉ nổi tiếng với các mặt hàng đồ tiêu dùng chất lượng tốt, nơi đây còn có vô số những gian hàng bán đồ lưu niệm cực kỳ bắt mắt. Nếu vào một trong các khu chợ của Thái Lan, khách du lịch có thể dễ dàng mua được những chiếc móc chìa khóa, dây chuyền… có in hình voi - biểu trưng của đất nước Thái Lan. Bên cạnh đó, khách du lịch còn có rất nhiều lựa chọn khác như mô hình xe tuk tuk, hộp đựng trang sức, gương… với những ngọn tháp dát vàng. Dù là hình ảnh nào thì khách du lịch cũng nhận ngay ra đó là một sản phẩm “Made in Thailand”. 

Không riêng gì xứ sở Chùa Tháp, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng khôn khéo đưa hình ảnh biểu trưng lên các sản phẩm lưu niệm nhằm quảng cáo cho ngành du lịch nước mình. Tượng hải sư Merlion ở Singapore, tháp đôi Petronas Malaysia hay tháp Angkor ở Campuchia… có mặt ở hầu hết các sản phẩm lưu niệm, được khách du lịch mua về làm quà rất nhiều khi đặt chân đến những quốc gia này.

Xa hơn nữa, Pháp có tháp Effeil, Nga có búp bê gỗ Matryoska, Nhật có búp bê Daruma may mắn… Thậm chí, riêng ở hòn đảo Jeju Hàn Quốc, bức tượng ông già bằng đá Harubang - biểu tượng được người dân tôn sùng – đã trở thành món quà không thể thiếu của du khách nằm lưu lại kỷ niệm với hòn đảo Tình yêu này. 

Quà lưu niệm Hà Nội: Cần một biểu trưng xứng đáng ảnh 2Chú voi xuất hiện nhiều trên các sản phẩm lưu niệm Thái Lan

Không mặn mà với quà từ Hà Nội

Không khó để tìm ra những hình ảnh biểu trưng để quảng bá cho ngành du lịch trên những món quà lưu niệm, tuy nhiên chọn được món quà mang đặc trưng Hà Nội - nơi tích tụ những giá trị văn hóa, lịch sử của cả nước lại không dễ. Tại một số khu phố nổi tiếng như Hàng Bông, Hàng Gai, Lý Quốc Sư, Hàng Ngang, Hàng Đào… quanh đi quẩn lại cũng chỉ là áo phông in quốc kỳ Việt Nam, nón, tranh sơn mài, đồ thổ cẩm…

Cao cấp hơn nữa thì có lụa tơ tằm, mây tre đan… Nhiều thì nhiều, nhưng chẳng có sản phẩm nào làm nổi bật cái hồn của Hà Nội. Một chiếc túi thổ cẩm ở Hà Nội có thể được tìm thấy sản phẩm giống hệt ở Sa Pa, lụa tơ tằm ở Hà Nội lại na ná như lụa ở Hội An… Giá cả cũng không thống nhất, nếu mua ở trong cửa hàng thì mức giá cho một món đồ có thể đắt gấp 2-3 lần. Đơn điệu, nhàm chán, xuất xứ nhập nhằng, giá cả thất thường, không khó hiểu vì sao du khách đến với Hà Nội nhưng nhưng chẳng mặn mà gì với quà Hà Nội. 

Quà lưu niệm Hà Nội: Cần một biểu trưng xứng đáng ảnh 3Không ai đến Jeju lại không tìm mua một bức tượng Harubang

Tháng 4-2016, Sở Du lịch Hà Nội cùng một số đơn vị phát động một cuộc thi sáng tạo “Quà lưu niệm mang dấu ấn Thủ đô Hà Nội”. Cuộc thi này khuyến khích người tham gia sáng tạo ra những sản phẩm tiêu biểu, có tính ứng dụng mang đặc trưng văn hóa Hà Nội, góp phần giới thiệu cho du khách những sản phẩm, chất liệu, chủng loại mà các làng nghề của thành phố Hà Nội mang đến với du khách.

Tinh thần của cuộc thi là đáng hoan nghênh, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng quà lưu niệm - đúng với cái tên của nó là thứ quà để người ta mua về lưu lại kỷ niệm sau một hành trình, một chuyến đi du lịch nên không nhất thiết quá cầu kỳ, đôi khi chỉ chứa đựng hình ảnh nho nhỏ, nhưng quan trọng nhất là đủ sức gợi nhắc cho du khách về con người, đất nước họ đặt chân đến. 

Hà Nội vốn không thiếu sản phẩm thủ công chất lượng, nhưng lại chưa tìm được hình ảnh biểu tượng xứng đáng để làm quà lưu niệm phục vụ du khách. Sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta tìm được một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng hơn là những sản phẩm đại trà có thể mua được ở bất cứ đâu.