Nhà thơ Vi Thuỳ Linh

Quà đón Trung thu và ước mơ tha thiết

ANTĐ - Biết trước mà vẫn bất ngờ khi cầm trên tay tập thơ thiếu nhi Chu du cùng Ông nội - NXB Kim Đồng vừa ra mắt độc giả. Tập thơ đã ra sớm trước Trung thu như một sự khởi đầu “chuỗi quà” mà tác giả Vi Thuỳ Linh sẽ dành tặng cho trẻ nhỏ.

Linh yêu màu tím, bởi lãng mạn. Chắc chắn hiểu điều ấy, nên hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền (trưởng nữ của nhà văn Kim Lân) đã vẽ bức tranh bìa cho tập thơ này. Cô bé mặc áo tím, giày tím được ông nội hoạ sĩ đầu đội mũ tím dắt đi vẽ ngoại cảnh. Tay phải ông dắt tay trái cháu, tay phải cháu cầm đoá sen hồng, còn cành lá sen từ tay trái ông rủ xuống che cho cháu như chiếc ô xanh trên đường làng đá xanh.

Chu du cùng Ông nội, 23 bài thơ nhiều thể loại, gồm 3 phần : Giao cảm (7 bài, là những sáng tác của tác giả giai đoạn đầu cầm bút), Giáng sinh con (7 bài viết cho trẻ con và các con tương lai), Đi đến ngày xưa (9 bài, hồi ức và khao khát trở về thơ ấu).

Vi Thuỳ Linh viết cho thiếu nhi vừa bất ngờ vừa không. Bất ngờ bởi Chu du cùng Ông nội là tập thơ thiếu nhi của một tác giả nổi tiếng bởi thơ tình. Không bất ngờ vì nếu đọc kỹ 5 tập thơ trước, thấy rõ Vi Thựy Linh không chỉ có, chỉ viết về tình yêu mà còn khao khát những đứa con, yêu chúng bằng tình cảm sâu sắc và trong lành nhất. Với chị, con là tượng hình của tình yêu sau đám cưới, một cách nghĩ rất tôn trọng giá trị kinh điển.  

Có hai kiểu viết cho trẻ em. Một là hoá thân thành đứa bé để nhìn đánh giá sự vật, hiện tượng (như nhà thơ Phạm Hổ, Võ Quảng, Thanh Hào). Hai là viết bằng hoài niệm thơ ấu bằng tâm thế của người lớn, sáng tác theo tâm lý của chúng và khao khát của mình với chúng. Nhà văn Trần Hoài Dương thuộc kiểu thứ hai và Vi Thuỳ Linh cũng vậy.

 Chu du cùng Ông nội, tập thơ thứ 6 của chị,  là cuốn sách đầu tiên in tại NXB Kim Đồng. Mở cuốn thơ có bìa gấp tím, tôi như được sống lại tuổi thơ mình, đúng như nhà văn Trần Hoài Dương (1943 - 2011) đã viết cho tập này khi ông đọc bản thảo và viết bài cuối cùng về văn học thiếu nhi – lĩnh vực tâm huyết mà ông đã theo đuổi suốt đời. Nhạy cảm,  giàu tình cảm, với sự lãng mạn và lòng nhân hậu, Vi Thuỳ Linh khiến độc giả cảm động bởi tìm thấy mình trong đó . Độc giả thế hệ 7X 8X hoặc trước đó, có thể dấy lên nỗi thèm kem, bánh gatô của tuổi thơ không được làm tiệc sinh nhật, chỉ có “bánh trăng cứ chạy theo đuổi theo” ,trận mưa dâng nước ao theo cá vào sân, những tối mất điện oà reo “Ura có điện rồi!”, nhịp đồng dao quê làng khởi từ vùng ngoại ô Cầu Giấy ngày nào có ao, đồng lúa và khắc khoải khi tuổi 20: “Con ơi con ơi, con đang bay ở đâu, hãy theo tình yêu của cha đậu vào lòng mẹ”. Bé Xù bụ bẫm tóc quăn là hình tượng thiên thần mà Vi Thuỳ Linh mơ cho mình. 

Không biên giới, ranh giới nào ngăn được tình yêu lớn mà Vi Thuỳ Linh phổ và tin, qua nghệ thuật. Đó là tình yêu cho sự sống, những người thân, cho những năm thơ ấu đẹp đẽ và trong khiết mà chị muốn trở về, kéo dài, bên người ruột thịt. Những bài thơ viết về bố, ông bà nội của chị rất chân thực và cảm động. Cứ nói hay viết về họ, là chị khóc. Hiếm ai mất ông nội từ khi 1 tuổi rưỡi, lại yêu thương nhớ ông ghê gớm như Linh, hoạ sĩ Vi Kiến Minh (1926 - 1981) mất sớm, cuộc đời ông đã cống hiến cật lực cho hội hoạ,  luôn lạc quan và dành hy sinh cho mọi người dù thiệt thòi thiếu thốn. Hình ảnh ông hiện lên qua thơ Vi Thuỳ Linh lay động tâm thức người đọc, sự khiến người ta tin điều chị viết, muốn sẻ chia bởi họ nhận thấy những dòng nước mắt nguyên khơi trong từng con chữ Linh viết về bà nội (đã qua đời gần 1 năm). Trên đường làng đá xanh sáng tác Xuân 2008, lúc bà đau ốm là hai bài thơ có sức nặng nhất tập thơ. Chị luôn mong bà khoẻ lại, để cùng bà đi trên đường làng Phù Lưu lát đá xanh mấy trăm năm, làng duy nhất của xứ sở này còn giữ được đến giờ đường đá cổ.

“Mỗi viên đá xanh là một tấm ảnh. Những ngả đường làng quanh co, ngang dọc đi ra cuộc đời rộng lớn và trở về khép lại một kiếp – là album khổng lồ không bao giờ có trang ảnh cuối/ Mùa Xuân năm nay, năm nữa, nhiều năm nữa/ Tôi đưa Bà nội về làng, để bà đi trên con đường đá xanh”. Bà nội của Linh không thể đi lần nữa cùng cháu gái, bà đã nằm lại đất làng, trong nghĩa trang cùng ông bà nhà văn Kim Lân, nhà quay phim NSND Nguyễn Đăng Bảy – người đã quay phim Đến hẹn lại lên tại Phù Lưu văn hiến 37 năm trước. 

Sau Trung thu, Vi Thuỳ Linh sẽ bay sang Pháp du diễn giới thiệu 2 tập thơ mới tại nhiều thành phố. Chị dự định nếu xin được đủ tài trợ, sẽ làm đêm nghệ thuật dành cho thiếu nhi năm 2012. Đến đó, các em được nghe nhạc, múa hát, ăn bánh kẹo và kem, mua sách giá ưu đãi. Đến đó, người lớn cũng được sống lại những năm thơ ấu. Nhà thơ Vi Thuỳ Linh khẳng định: “Tập thơ không chỉ dành riêng cho trẻ em, mà người lớn cũng nên đọc. Hãy để những đứa trẻ dắt chúng ta trở lại những vùng trong trẻo, mơ mộng, thành thật, hồn nhiên. Vì mưu sinh, tham vọng, chúng ta nhiều khi không còn là mình, không ít người tha hoá. Trẻ con không có âm mưu và lòng tham, chúng là nguồn hy vọng và yên bình nhất”.

Chu du cùng Ông nội, bài thơ cuối cùng lấy làm nhan đề tập thơ, mở ra và kéo dài giấc mơ ước suốt đời của nhà thơ được có ông. Những bài học, định hướng hay răn dạy, giáo dục “lên gân” không hiệu quả và thu hút trẻ em. Khơi dậy, đánh thức nơi chúng lòng yêu thương, niềm say mê văn học là cách mà Vi Thùy Linh tâm đắc. 

Mơ ước trong nỗi thiếu hụt ấy được đáp đền, vì có nhiều người “chu du” cùng tác giả. Niềm tin của công chúng là vô giá, thúc giục chị “lần nào đến cũng đem theo bí mật” cho hành trình nghệ thuật tận hiến, bất chấp những thách thức, khát khao đem đến những mới mẻ bất ngờ.