“Quả đấm thép” phải mạnh

ANTĐ - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được lấy ý kiến nhân dân, các nhà nghiên cứu luật, các chuyên gia, nhà khoa học. Liên quan đến nội dung Kinh tế có hai điểm nổi bật. Một là Dự thảo sửa đổi quy định tính chất của nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần. Hai là quy định nguyên tắc về các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Từng thành phần kinh tế không ghi tên, cụ thể như Hiến pháp 1992.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã cố gắng thể hiện tư tưởng mới về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Đọc kỹ từng điều khoản thì thấy cách thể hiện Hiến pháp lần này rất khác Hiến pháp 1992. Xác định đúng vai trò của Nhà nước, vai trò của các tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh và Nhà nước đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền. Đọc lại Hiến pháp 1980, 1992 sẽ thấy nhiều điều khoản bắt đầu bằng “Nhà nước đảm bảo, Nhà nước có trách nhiệm, Nhà nước thúc đẩy…”.

Những quy định như vậy trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đều được cân nhắc kỹ. Chỗ nào cần quy định rõ vai trò của Nhà nước, trong đó có kinh tế Nhà nước. Chỗ nào cần quy định vai trò của các thành phần kinh tế. Vì thế, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, không phải chỗ nào cũng là kinh tế Nhà nước, không phải chỗ nào Nhà nước cũng can thiệp, để xác định phạm vi, sự cần thiết phải can thiệp của Nhà nước cụ thể khi nào. Còn lại dành dư địa cho các thành phần kinh tế khác, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân. Một trong những thành viên Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhấn mạnh, với việc sửa đổi Hiến pháp lần này, chắc chắn sẽ thu hẹp lại quy mô của doanh nghiệp Nhà nước.

“Việc sửa đổi như vậy thể hiện quan điểm, tư duy mới về kinh tế, làm cho tất cả các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau và cùng nhau phát triển”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét. Thực tiễn nhiều năm qua, một loạt các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước suy sụp, bên bờ vực phá sản do thất thoát, tham nhũng, lãng phí, quản lý yếu kém mà nhiều đại biểu quốc hội từng ví tập đoàn kinh tế Nhà nước như “người khổng lồ” chỉ dùng “bầu sữa” ngân sách Nhà nước không hiệu quả, trong khi các thành phần kinh tế khác phải tự bươn chải nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao so với đồng vốn bỏ ra, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Một bằng chứng “sinh động” nhất là, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 73 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mặc dù chỉ tiêu kế hoạch về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản năm 2013 đều dự kiến cao hơn so với năm 2012, song các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách đều giảm. Một  loạt các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải đều lên kế hoạch cho sự “thụt lùi”. Đáng chú ý là, các tập đoàn, tổng công ty thuộc nhóm dự kiến nộp ngân sách sụt giảm mạnh nhất cũng chính là nhóm có kế hoạch đầu tư mạnh nhất. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chỉ tiêu kế hoạch của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm nay không có cơ sở để thấp hơn năm ngoái được. Xu hướng suy giảm khá rõ rệt về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước của khu vực kinh tế này chắc chắn sẽ tác động xấu tới toàn bộ nền kinh tế. 

Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau và đều là phần cấu thành quan trọng của nền kinh tế, không chỉ thu hẹp quy mô doanh nghiệp Nhà nước, để dành “đất” cho các thành phần kinh tế khác, mà còn buộc các “quả đấm thép” phải mạnh lên.