Quả đấm lợi hại của Nga với Ukraine

ANTĐ - Ucraine đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế nghiêm trọng có thể khiến cuộc đối đầu Đông - Tây tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh leo thang căng thẳng. Đó là việc Ukraine bị cắt nguồn cung khí đốt từ Nga mà qua đó toàn châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Quyết định cắt nguồn khí đốt cho Ukraine đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu lần thứ ba chỉ trong một thập kỷ.

Ukraine vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Naftogaz, nước này vẫn còn đủ nguồn dự trữ khí đốt để đáp ứng nhu cầu nội địa trong vòng 6 tháng tới để vượt qua mùa hè và châu Âu cũng sẽ không bị gián đoạn nguồn cung khí đốt cho đến khi mùa đông bắt đầu. Ukraine hiện đang có khoảng 14 tỷ mét khối khí đốt ở trong các bể dự trữ ngầm dưới lòng đất và dự kiến sẽ nhập khẩu 16 tỷ mét khối khí đốt từ thị trường mua bán giao ngay của châu Âu để đáp ứng cho nhu cầu nội địa trong nước. Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành của Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom, các công ty châu Âu nhập khẩu khí đốt từ Nga nếu bán khí đốt này cho Ukraine sẽ phạm luật, đồng thời tuyên bố sẽ cắt giảm xuất khẩu khí đốt cho bất kỳ quốc gia nào đồng tình với việc làm này.

Ukraine có thể chịu đựng được đến mùa đông mà không cần khí đốt Nga. Các vấn đề của châu Âu có lẽ sẽ chỉ bắt đầu khi Ukraine sử dụng hết lượng khí đốt dự trữ. Khi đó, châu Âu sẽ gặp vấn đề lớn khi mùa đông với thời tiết lạnh lẽo. Châu Âu đã phải hứng chịu hậu quả từ tranh cãi giữa Moscow và Kiev, hàng triệu gia đình ở lục địa này không có năng lượng để sưởi ấm khi Ukraine làm gián đoạn việc trung chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu qua ngả Ukraine. Nga cung cấp lượng khí đốt đáp ứng ½ nhu cầu của Ukraine. Đường ống dẫn của Nga tới châu Âu thông qua Ukraine cung cấp khoảng 15% khí đốt cho khu vực này. Việc Ukraina bị khóa van khí đốt ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn cung cấp cho nhiều nước trong Liên minh châu Âu. Nhất là khi mà chính Gazprom (Công ty Nga lớn nhất cung cấp khí đốt) đã báo trước với Ủy ban châu Âu là khối lượng khí đốt của Nga bán cho EU có thể bị ảnh hưởng, nếu như Ukraine giữ lại một phần để đáp ứng nhu cầu nội địa. 

Ukraine đã bị cắt ưu đãi giá gas từ tháng 4, sau khi Moscow kết tội Kiev chậm thanh toán. Chỉ trong mấy tháng cắt hỗ trợ, Ukraine đã tăng mức nợ mua khí đốt từ 1,5 tỷ USD thành 4,458 tỷ USD. Càng duy trì thì số nợ này càng tăng. Nay việc đóng đường ống dẫn khí qua Ukraine có thể ảnh hưởng đến cả nguồn cung cho châu Âu, thị trường đóng góp hơn 50% doanh thu cho Gazprom. Song  Gazprom vẫn buộc Kiev phải "tiền trao cháo múc" với các hợp đồng năng lượng mới mà nước này sẽ phải trả trước ngày cuối cùng mỗi tháng cho số lượng khí đốt định mua trong tháng sau.

Có thể nói chiêu bài trừng phạt năng lượng là miếng đòn hiểm mà Nga áp dụng. Tuy châu Âu đang trong mùa hè, nhưng giờ mới chỉ là “cú đấm dứ” vì chỉ hai tháng sau, khi mùa đông châu Âu đến sớm. Đòn đánh dứ của Nga đầu tiên nhằm gây áp lực buộc chính quyền Kiev ngừng các cuộc tấn công nhằm vào những người thân Nga ở miền Đông - Nam Ukraine. Đây cũng là  cảnh cáo Liên minh châu Âu về đòn đáp trả nếu họ gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. Và cuối cùng là thử lửa thái độ của Kiev với châu Âu. Một số quan chức EU lo ngại Kiev  lại sẽ "hút trộm" nguồn khí chuyển sang châu Âu khi mùa đông đến như họ đã làm, nhưng nếu thật sẽ như vậy quan hệ EU - Ukraine sẽ “cơm chẳng lành, cảnh chẳng ngọt” ngay. 

Dù sao thì việc Nga chấm dứt kiểu bán chịu khí đốt cho Kiev, khiến quốc gia này cũng đang lo lắng bởi lẽ nền kinh tế của họ đang sở hữu một ngân khố gần như trống rỗng. Khi Nga “ra đòn” quyết liệt đã buộc Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk phải nhanh chóng tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” trong ngành năng lượng của quốc gia Đông Âu này. Thủ tướng Yatsenyuk đã yêu cầu Ủy ban Pháp luật Quốc gia ấn định các mức thuế “hợp lý về mặt kinh tế” cho việc trung chuyển khí đốt từ Nga qua lãnh thổ Ukraine đến cho các khách hàng châu Âu, nói rằng Kiev không có kế hoạch tiếp tục “bao cấp” cho Nga thêm bất kỳ thời gian nào nữa. 

Trong một diễn biến khác liên quan, đường trung chuyển khí đốt Urengoy - Pomary - Uzhhorod hay còn gọi là Đường ống xuyên Siberia từ Nga cung cấp cho các khách hàng cuối cùng tại Trung và Tây Âu đoạn đi qua thành phố Poltava, tỉnh Lohvica (Ukraine) chiều 17-6 đã bất ngờ phát nổ. Người dân địa phương không loại trừ đây là một vụ tấn công khủng bố. Được biết, hồi tháng 3-2014, thủ lĩnh phong trào cực hữu The Right Sector Dmitry Jaros từng đe dọa sẽ phá hoại đường ống trung chuyển khí đốt qua Ukraine tới châu Âu để gây thiệt hại tài chính cho Moscow.