Quả bóng trách nhiệm và những cầu thủ giỏi

ANTĐ - Dù đã được liệt vào diện xe cấm lưu hành, cần phải dẹp bỏ, nhưng đến nay, qua 5 năm, các bộ, ngành cũng như các tỉnh, thành vẫn không thể dẹp bỏ được các loại xe ba, bốn bánh, xe tự chế. Dù rằng, nỗi bức xúc về các loại xe này khi tham gia giao thông thì ngày một nhiều, lạng lách, vượt đèn đỏ, chở quá khổ, quá tải, bất chấp những quy định về ATGT. Thậm chí, lực lượng chức năng cũng ngại xử phạt những đối tượng chạy xe ba gác, xe tự chế vì… sợ bị ăn vạ.

Trong khi đau đầu nghĩ cách dẹp xe ba, bốn bánh thì trên phố phường đã kịp thời xuất hiện những loại xe tự chế mới, như xe nạp điện hai, ba bánh. Dù kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng đã phát hiện nơi sản xuất, tự lắp ráp loại xe này để đưa vào lưu thông, không giấy tờ, nguồn gốc. Nhưng làm thế nào, căn cứ vào đâu để xử lý triệt để loại xe vi phạm trên thì lại bó tay.

Nghị quyết 32/2007 đã nêu rõ về việc xử lý, đình chỉ các loại xe ba, bốn bánh, xe tự chế khi lưu thông; đình chỉ cơ sở sản xuất các loại xe này nếu phát hiện, nhưng đến nay, NQ 32 vẫn thiếu các chế tài cụ thể. Hơn nữa, NQ 32 lại không quy định rõ trách nhiệm xử lý cuối cùng của vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan nào, khiến ngành nào cũng cho rằng mình không có nghĩa vụ chính. Quản lý thị trường không thể xử phạt, giao thông cũng “bó tay”… Quả bóng trách nhiệm cứ đá qua đá lại để đến cơ sự, phát hiện rồi lại phải thả ra vì không xử lý được. Và cuối cùng, người tham gia giao thông hàng ngày sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Câu chuyện về “quả bóng trách nhiệm” đã được nhắc tới từ lâu, nhưng căn bệnh này dường như đã trở thành trầm kha. Chẳng qua trường lớp, chẳng qua đào tạo, nhưng bộ, ngành nào cũng là những cầu thủ giỏi. Đá qua đá lại, sự việc rồi cũng đùn hết trách nhiệm. Sẽ là “hòa cả làng” với các bộ, ngành quản lý, nhưng quá bất công đối với người dân.