"Quả bom" 20 nghìn tỷ USD

ANTD.VN - Tưởng như già hóa dân số chỉ là vấn đề của châu Âu, châu Mỹ thì giờ đây, nó lại đang trở thành thách thức đối với châu Á, khiến khu vực này phải chi tới 20 nghìn tỷ USD vào chăm sóc y tế cho người già từ nay tới năm 2030.

Già hóa dân số đang là một trong những thách thức mà các nước châu Á phải đối mặt

Một nghiên cứu được công bố ngày 25-8 cho biết, dân số châu Á-Thái Bình Dương đang “già” đi nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Số liệu của Liên hợp quốc năm 2016 cho thấy, trong top 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, một nửa là các nước châu Á, thậm chí Hàn Quốc, Singapore còn đứng đầu danh sách. Thái Lan xếp thứ 6 và Trung Quốc ở vị trí thứ 10. 

Theo nghiên cứu của Trung tâm đánh giá rủi ro châu Á - Thái Bình Dương (APRC) có trụ sở tại Singapore, đến năm 2030, châu Á sẽ có 511 triệu người cao tuổi. Nhật Bản sẽ trở thành nước có dân số “siêu già”, với số người cao tuổi chiếm 28% tổng dân số, trong khi 1/5 dân số Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc sẽ ở độ tuổi 65.

Nếu như năm 2015, số người trên 60 tuổi tại châu Á  chiếm 52% số người cao tuổi trên toàn cầu, thì dự kiến đến năm 2050, số người cao tuổi tại châu lục này sẽ tăng gấp 5 lần và sẽ chiếm tới 2/3 số người cao tuổi trên thế giới. Đến năm 2060, cứ trong 5 nước có dân số già nhất trên thế giới thì có một nước thuộc khu vực Đông Á, trong khi tỷ lệ này năm 2010 chỉ là 1/25.

Hiện tượng già hóa dân số một phần bắt nguồn từ kết quả phát triển kinh tế nhanh trong vài thập niên gần đây trong khu vực. Thu nhập tăng lên, trình độ giáo dục cao hơn khiến tuổi thọ tăng, đồng thời tỷ lệ sinh giảm sút mạnh dẫn đến tình trạng tỷ lệ bổ sung nằm dưới tỷ lệ sụt giảm một khoảng cách khá xa tại một số nước. Thêm vào đó, những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số trong khu vực cách đây hơn nửa thế kỷ bắt đầu bước vào tuổi già.

Chính vì thế mà hầu hết các quốc gia châu Á đang chuyển hướng từ xã hội có dân số tương đối trẻ sang tương đối già chỉ trong giai đoạn 20-25 năm, nhanh hơn rất nhiều so với con số 50-100 năm vốn xảy ra tại các nước giàu ở phương Tây, khiến khu vực trở tay không kịp.

Các nghiên cứu dự báo, hệ thống y tế, các doanh nghiệp và gia đình toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đối mặt với áp lực lớn khi phải chi tới 20.000 tỷ USD vào chăm sóc y tế cho người già từ nay tới năm 2030.

Nếu như không hành động ngay từ bây giờ, “quả bom” già hóa sẽ phát nổ, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương sụt giảm. Để đối phó, Trung tâm đánh giá rủi ro châu Á-Thái Bình Dương (APRC) cho rằng các chính phủ, cá nhân, công ty bảo hiểm, tổ chức và chuyên gia y tế trong khu vực cần quan tâm việc chăm sóc những người già, đồng thời đánh giá mức độ hiện nay “không bền vững” khi tại nhiều nước, chi phí y tế đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Một trong những biện pháp cần thực hiện là các quốc gia châu Á phải khuyến khích nhiều phụ nữ hơn tham gia vào lực lượng lao động để gia tăng số người sản xuất và đặc biệt là cải tổ chế độ săn sóc phụ nữ sinh con trong xã hội.

Ngoài ra, các quốc gia cũng nên loại bỏ bớt những cơ chế lương hưu vốn đang khuyến khích mọi người nghỉ hưu quá sớm trước tuổi 60 như hiện nay (tại các quốc gia như Mỹ và ở châu Âu, tuổi về hưu có thể lên tới 67 hoặc cao hơn). Giờ là lúc châu Á phải hành động để ngăn “quả bom nổ chậm” già hóa phát nổ.