Qua 5 năm hội nhập

ANTĐ - Nhìn lại 5 năm gia nhập WTO, tuy chưa dài nhưng nước ta cũng đã trải nghiệm không ít thách thức, khó khăn trong một “sân chơi” toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ít nhiều bị ảnh hưởng, song về cơ bản vẫn giữ được ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng, từng bước tiến tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy cải cách chính sách theo hướng minh bạch hơn, cải thiện tích cực môi trường kinh doanh. Ngoài những cái được, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có ba điểm hạn chế cần tiếp tục cải thiện là tính minh bạch, tính tự giải trình và tính thực thi.

Trong cuộc hội thảo 5 năm sau khi gia nhập WTO vừa diễn ra, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nước ta cần chuyển biến mạnh mẽ về thể chế để hội nhập sâu hơn và rộng hơn với khu vực và thế giới. Thực hiện cam kết WTO, Việt Nam đã cải cách chính sách kinh tế, thương mại theo hướng minh bạch và tự do hóa. Cải cách thể hiện ở những cam kết về pháp luật và thể chế hành chính, đổi mới cơ cấu nền kinh tế. Hội nhập thành công hay không chính là từ những thay đổi nội tại.

Theo Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt-Mỹ, 5 năm là thành viên của WTO cũng là 5 năm của những thành công và cả những kỳ vọng chưa thành. Thực ra, trong 5 năm qua, nước ta đã mất đứt 3 năm phải vật lộn, chống trả cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trầm trọng. Một nền kinh tế chưa đủ vững chắc, ổn định cùng với những “điểm nghẽn” tồn đọng quá lâu như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tất nhiên sẽ gặp những “cú sốc” mạnh. Trong khi đó, “thể trạng” và “sức khỏe” của nền kinh tế bộc lộ những yếu thế, bất lợi đáng kể. Đó là xuất khẩu tăng nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô, lấy công làm lãi, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng, trong nhập siêu chủ yếu là các sản phẩm công nghệ hạng tầm tầm và lỗi thời. Không cải thiện được năng lực cạnh tranh ngay trong sân nhà mà còn gây tác hại môi trường.

Đáng lưu ý là, chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài chưa cao, chủ yếu tập trung khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ. Rất nhiều doanh nghiệp chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ tác động mở cửa thị trường nên không thể đứng vững, gây hậu quả nặng nề về lao động và việc làm. Nền kinh tế dường như dễ bị “tổn thương” hơn trước những “cú sốc” từ bên ngoài. Mặc dù, khi mới bắt đầu đàm phán WTO, thu nhập bình quân đầu người của nước ta là 400 USD/năm, sau khi gia nhập đã nâng lên 1.000 USD và hiện nay vào khoảng 1.200 USD, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia cấp cao về mặt bằng xã hội, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn lên, khoảng cách giữa các vùng miền doãng ra. Về văn hóa, xã hội cũng có những thách thức không nhỏ trước hội nhập toàn cầu, nhất là việc duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhìn lại để tiếp tục đi tới, chặng đường 5 năm, hội nhập cho thấy, thành quả đạt được là đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân sâu xa là “cơ thể” kinh tế còn yếu kém, chưa thể “tiêu hóa” cơ hội thành hiện thực, trong khi chưa hóa giải hết khó khăn do hội nhập. Gia nhập WTO chỉ tạo ra cơ hội, không làm cho nước ta giàu lên hay nghèo đi. Chỉ khi chúng ta biết tận dụng tốt cơ hội thì mới giàu lên được.