“Phượt thủ” máu liều chinh phục những tột cùng mạo hiểm

ANTĐ - Sửng sốt, lo sợ, kinh ngạc... chẳng mấy ai lại không trải qua từng ấy cảm xúc khi nghe Steve Trần -  người ghi tên mình vào vô số những hành trình hiểm nguy vào loại nhất thế giới kể về những chuyến “chinh phạt” để đời. Vẫn còn lành lặn sau từng ấy thử thách, Steve Trần say sưa kể về những vùng đất mới mà anh mong muốn được khám phá…

Liều mạng với “con đường tử thần”

Nổi tiếng từ series phim tài liệu “Sống ở nơi khắc nghiệt nhất” của Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng khi gặp Steve Trần (tên thật là Trần Việt Anh) vốn là một doanh nhân thành đạt kiêm “phượt thủ” lừng danh, nghe anh “tường thuật” những chuyến đi của mình, mới thấy được “máu liều” của người đàn ông này. Không nhận mình là “người Việt đầu tiên đi vòng quanh thế giới” như mọi người thường gọi, Steve Trần thủng thẳng “tôi là kẻ thích khám phá những cái “nhất”. Thật vậy, cứ nghe ở đâu có mạo hiểm, thử thách là anh sẵn sàng lao vào.

“Phượt thủ” máu liều chinh phục những tột cùng mạo hiểm ảnh 1

Steve Trần đã từng dấn thân vào vô số những thử thách hiểm nguy 

Một trong những hành trình “chết chóc” nhất có lẽ phải kể đến là North Yungas – con đường nguy hiểm nhất thế giới chạy dọc dãy Andes ở Bolivia. Với địa hình nhiều sườn dốc hẹp và gấp khúc, cứ mỗi năm, nơi đây cướp đi sinh mạng từ 200-300 người. Ấy vậy mà vẫn có nhiều người vẫn trả tiền để được trải nghiệm. Steve Trần là một trong số đó. Để được tham gia vào chuyến đi “lành ít dữ nhiều” này, mỗi người trong đoàn phải trả 250USD, được đưa vào một chiếc xe buýt lên đến độ cao khoảng 5.000m để rồi lao bằng xe đạp xuống độ cao 1.000m. Anh đùa: “Nếu rơi xuống thì bạn có khoảng 5 phút để nghĩ về cuộc đời trước khi chết. Đơn giản chỉ vì nó quá… cao”.

“Phượt thủ” máu liều chinh phục những tột cùng mạo hiểm ảnh 2

Trải nghiệm ở North Yungas - con đường nguy hiểm nhất thế giới ở Bolivia

“Phượt thủ” máu liều chinh phục những tột cùng mạo hiểm ảnh 3

Để bổ sung cho tính “rùng rợn” của chuyến đi mà có lẽ tôi chưa mường tượng ra được, anh chỉ cho tôi tấm hình xác của một chiếc xe buýt - rúm ró và bé như một hộp diêm dưới vực. Rồi hình ảnh một vài ngôi mộ đơn sơ của những người xấu số nằm trơ trọi bên đường. Nhìn những cảnh này, những người bạn Việt Nam đi cùng anh đều hãi hùng và quyết định từ bỏ. Thế mà người đàn ông này đã phớt lờ cả nỗi sợ hãi và “ném” mình vào cuộc hành trình đầy rẫy hiểm nguy. Kết thúc là tấm ảnh chụp ở dưới chân núi, nơi những kẻ liều mạng mừng vui với chiến thắng chính bản thân mình. 

 “Con đường tử thần” ở Bolivia chỉ là một trong những chuyến đi liều mạng mà Steve Trần đã từng trải nghiệm với mức độ mạo hiểm và độc đáo vào loại bậc nhất thế giới. Nào là đứng dưới chân một ngọn núi lửa đang phun trào ở Nicaragoa, nơi có thể thiêu rụi con người ta bất cứ lúc nào, nào là trượt trên những mặt hồ đóng băng ở Canada, nơi chỉ trong tích tắc có thể sụt xuống và chết cóng… Ngay cả những nơi ít ai thích hay khó có điều kiện đặt chân đến như CHDCND Triều Tiên, Iran, Cuba hay Palestine… anh cũng đã từng “thử” qua. Và không ít lần anh rơi vào những tình huống ngặt nghèo, như lần Steve Trần tình cờ có mặt tại Zimbabwe khi Phó Tổng thống nước này bị ám sát.

Anh kể: “Đó là năm 2007, trên người tôi mang rất nhiều thiết bị chụp hình đắt tiền và ngay lập tức bị bắt về hành dinh của quân đội. Tôi bị thẩm vấn và bị giữ một ngày. Sau đó tôi được thả nhưng số phận của toàn bộ bạn bè phóng viên phương Tây ra sao, tôi không biết”. 

Thử thách không dành cho người “yếu tim”

Dạn dày kinh nghiệm sinh tồn, đủ để đương đầu với những thử thách hiểm nguy, không quá ngạc nhiên khi Steve Trần là nhân vật chính trong series phim tài liệu “Sống ở nơi khắc nghiệt nhất” của VTV. Chỉ với ekip tổng cộng 5 người, Steve Trần và đoàn làm phim đã ghi lại những thước phim vô cùng sống động và thực tế về những trải nghiệm ở 4 vùng đất của Việt Nam, nơi được coi là nếu chưa một lần đến thì chưa biết thế nào là tột cùng của khô hạn, của cằn cỗi, của lạnh lẽo và của những cơn mưa dai dẳng, ẩm ướt.

Nếu theo dõi bộ phim trên, có thể thấy Steve Trần đã thử thách mình trong những điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt như: ngủ đêm ở nơi rừng hoang núi độc lạnh lẽo, đi bộ trên những đồi cát bỏng rát, đối phó với đủ loại động vật, côn trùng từ rắn, rết cho đến những loại thực vật mang chất độc chết người hay phải ăn cả những con thằn lằn, ếch nhái để sinh tồn. 

Steve Trần kể, trong suốt 3 tháng quay phim, cả đoàn làm phim đã có lúc đối mặt với những tai nạn kinh hoàng. Đó là khi Steve tìm cách lấy mật từ một tổ ong rừng, chính anh bị đốt tê liệt cả tay, còn người quay phim thì bị đốt đến nỗi… không cầm nổi máy quay. Đó còn là khi đạo diễn chương trình bị gai của một loại cây đâm toác chân, cả đoàn phải tìm cách rạch vết thương lấy gai ra, nếu không sẽ phải cưa chân…

Nhưng vì thời gian gấp rút mà cả đoàn làm phim dù ốm đau, dù tai nạn vẫn phải tiếp tục lên đường, gần như không có ngày nghỉ. Chính điều này đổi lại bằng những thước phim quý giá, mà khi xem lại, không ít người ngỡ ngàng vì ở những vùng đất tưởng như rất quen thuộc như Huế, như Hà Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, ta lại nhìn thấy được vẻ đẹp tiềm ẩn và cũng đầy kích thích như vậy. Và trên hết, với thước phim này, anh mong muốn giới trẻ Việt sẽ có động lực, ý thức tích lũy những kỹ năng sinh tồn, khám phá bản thân và thế giới xung quanh bằng những hoạt động thế chất.

Cũng có lúc mềm lòng  

Dành cả tuổi trẻ để đi du lịch và khám phá những miền đất mới, nhưng có những lúc người đàn ông với vẻ ngoài “ngầu ngầu” và rắn rỏi ấy cũng mềm lòng. Steve trải lòng: “Ấy là khi bị đắm tàu trong một cuộc đua thuyền buồm trên đất Mỹ, tôi đã nghĩ rằng nếu tôi ở nhà, nếu tôi không lao vào những việc này thì sẽ không sao, sẽ được ở bên vợ và các con tôi”. Nhưng sinh ra đã là kẻ ưa mạo hiểm, Steve không ngừng ấp ủ về những dự định mới, có thể dài hơi hơn, phức tạp hơn và liều lĩnh hơn. Và những chuyến đi của Steve Trần sẽ chưa dừng lại ở đó…