Phương pháp truyền đạt hiệu quả

ANTĐ - Năm 1932, Albert Einstein được mời đến làm việc tại Viện nghiên cứu cao cấp thuộc Đại học Princeton Hoa Kỳ và ông được Viện trưởng giới thiệu môn thể thao đánh gôn rất tốt cho sức khỏe và gân cốt. Bản thân không thích thể thao nhưng vì được thuyết phục nên Einstein đồng ý học thử môn thể thao này.

Einstein đến học đánh gôn tại một câu lạc bộ gôn danh tiếng gần đó và được ông Viện trưởng giới thiệu một người hướng dẫn trẻ rất giỏi và đầy nhiệt huyết tên là Gigi để giúp  Einstein nhanh chóng chơi được môn thể thao này. Rất hãnh diện được dạy cho một thiên tài của nhân loại, Gigi hăm hở mang hết những kiến thức cũng như kinh nghiệm về gôn để truyền đạt cho Einstein. Anh thao thao chỉ dẫn hết kỹ thuật này sang kỹ thuật khác, còn Einstein thì lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Vậy là suốt cả ngày hôm đó Gigi thì mệt nhoài vì hướng dẫn còn Einstein thì chả học được gì. 

Sáng hôm sau, Einstein bỏ gậy gôn sang một bên và nhờ Gigi trao cho ông mấy quả bóng. Gigi nhìn Einstein một cách dò xét, không hiểu lý do, nhưng cũng miễn cưỡng trao cho ông bốn quả bóng gôn. Einstein nói to: “Hãy bắt lấy” rồi ông tung nhanh cùng lúc cả bốn quả bóng cho Gigi. Anh giáo viên trẻ huơ tay đón bóng nhưng không bắt được quả bóng nào. Lúc này Einstein mới nói: “Nếu tôi ném từng quả một thì anh sẽ bắt được bóng rất dễ dàng còn khi tôi ném cho anh cùng lúc bốn quả thì anh không bắt được quả nào, đúng không? Vì vậy, khi anh dạy cho người khác, mỗi lần chỉ một thứ thôi thì người học mới nắm bắt được dễ dàng”. Gigi tròn xoe mắt ngạc nhiên vì chưa học viên nào lại hướng dẫn lại thầy nhưng thực sự đó là những nhận xét rất tinh tế của một thiên tài khoa học và sư phạm.

Phương pháp truyền đạt của Einstein chính là bài học quý giá cho những người làm sư phạm và tất cả chúng ta khi muốn hướng dẫn cho người khác việc gì, kể cả những điều phức tạp nhất có thể học được rất nhanh nếu học dần từng điều một. Đó cũng là cách mà cha ông chúng ta đã dạy: “Muốn đi nhanh thì phải đi từ từ”.