Phương án khả thi

ANTĐ - Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tăng nguồn cải cách tiền lương năm 2013. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành nâng mức khởi điểm cho cá nhân người chịu thuế lên 9 triệu đồng áp dụng từ 1-7-2013. Đây là những nỗ lực rất lớn của 
Chính phủ trong cân đối ngân sách.

Một số đại biểu nhận định, nếu áp dụng ngay từ đầu năm 2013 sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động. Song phương án này sẽ khiến giảm nguồn thu gần 6.000 tỷ đồng, cộng với 20.000 tỷ đồng bố trí để tăng lương thì rất căng thẳng cho ngân sách. Dù sao, mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân 9 triệu và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người là tương đối hợp lý, sẽ bù đắp phần nào khó khăn của người làm công ăn lương.

Một đại biểu, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhận xét, với việc điều chỉnh theo dự thảo sửa đổi Luật Thuế này thì mục tiêu của thuế thu nhập cá nhân đã giảm sút, quay về trước mức Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành. Đây là một bước thụt lùi nhưng không thể không làm. Tăng lương theo lộ trình dù chỉ là   100 nghìn đồng/người/tháng cho 8 triệu người, không chỉ là mong muốn của người hưởng lương, mà còn là khoan sức dân. Có lẽ hiếm khi nào ngân sách Nhà nước phải “cân đong”, tính toán chi li từng đồng cho việc tăng lương cơ bản, tăng mức giảm trừ gia cảnh trong khi nhiều khoản chi tiêu từ ngân sách vẫn không giảm, có những khoản chi bất hợp lý, lãng phí khiến các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội bức xúc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, kinh tế không đạt tốc độ tăng tưởng như mong muốn khiến nguồn thu bị thu hẹp. Vì thế khi xác định một nhiệm vụ chi, phải tính đến khả năng thu. Theo ông Chủ nhiệm, bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách đã ban hành, Chính phủ còn phải hạn chế ban hành những chính sách mới mà không tính đến khả năng thu. Bởi vì cứ cộng mỗi thứ một tí thì sẽ trở thành một khoản rất lớn. Vì bội chi được khống chế, Quốc hội cũng chỉ cho trần nợ công như vậy nên phải xác định khả năng trả nợ. Dư địa chi khó khăn thì càng phải thận trọng hơn khi quyết định chi. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đặt mục tiêu cắt giảm 10% chi thường xuyên, thế nhưng sau 9 tháng qua đã chi vượt dự toán. Quốc hội luôn đặt vấn đề là phải tiết kiệm chi, đặc biệt là chi thường xuyên. Chính phủ cũng xác định mức dự toán phải cắt giảm 10%, song trong quá trình thực hiện vẫn có phát sinh như chi hội nghị, khánh tiết, mua sắm xe công, lễ hội. Ông Chủ nhiệm Ủy ban thẳng thắn, nguyên nhân là do chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, mà chưa nghiêm thì phải cương quyết cắt bỏ, loại bỏ. Kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Nghị quyết của Quốc hội đều thể hiện tinh thần tiết kiệm chi tiêu, nhất là chi tiêu cho hội nghị, lễ hội, mua sắm những tài sản đắt tiền.

Để có nguồn tăng lương, các đại biểu nhất trí cho rằng, phải siết chặt kỷ luật tài chính nghiêm khắc hơn nữa, nhất là chi vượt dự toán trong đầu tư công, xây dựng cơ bản. Tiết giảm những khoản chi bất hợp lý để tăng lương là phương án khả thi nhất có thể tính đến.