Phúc và họa

ANTĐ - Đúng là nhà chị có “phúc” nhưng tại chị không biết cách giáo dục và dạy dỗ con nên “phúc” đó biến thành “họa”

Vợ chồng chị đều là những người thành đạt, kinh tế gia đình khấm khá lại có hai đứa con: một trai, một gái kháu khỉnh, khổi ngô. Trông vào gia đình chị, hàng xóm bảo:

- Có bao nhiêu phúc đổ vào nhà chị hết rồi.

Chị nâng niu hai đứa con như báu vật. Từ khi chúng nó còn học Tiểu học chị đã chạy đôn chạy đáo cho chúng vào trường điểm. Vài lần thầy cô giáo có phàn nàn: “Lực học của cháu hơi non”, chị lại cuống quýt tìm thầy về gia sư ở nhà.

Ảnh minh hoạ

- Chúng mày cứ học cho giỏi thích gì mẹ cũng chiều.

Vậy nên từ nhỏ, hai đứa con chị không phải động chân động tay vào bất cứ việc gì. Ngay cả việc bà nội lên chơi, chị gọi hai con xuống chào bà, cô chị lớn bảo đang bận học, còn cậu em thì viện lý do đang làm dở bài Toán chị cũng cho qua. Thực ra là cô chị lớn đang ngồi lướt web, còn cậu em đang xem hoạt hình ở tầng trên. Đến bữa cơm, gọi chúng xuống ăn, chúng bảo đang bận học chị lại sai người giúp việc mang cơm lên tận phòng cho con.

Hai đứa con ra sức lập thành tích để khoe với mẹ nhưng không phải bằng sự cố gắng của bản thân mà bằng những “mánh khóe” khác nhau. Cô chị lớn thì mua đủ loại văn mẫu, sách giải bài tập, hễ thầy cô giáo ra đề mà trúng tủ là đưa ra quay cóp. Bài tập cô thầy ra về nhà thì luôn miệng kêu khó và năn nỉ gia sư giải hộ. Thầy giáo gia sư là một sinh viên trẻ, lúc đầu còn tỏ ra nghiêm khắc nhưng nói nhiều mà học sinh vẫn chứng nào tật ấy nên nản. Mà không làm không được vì cô học sinh chưa tốt nghiệp cấp 2 ấy dọa:

- Nếu thầy không giải em sẽ bảo với mẹ em là thầy dạy không hiểu, mẹ em sẽ cho thầy “tạch” luôn.

Tính tự ái nổi lên nhưng thầy đành nín nhịn vì miếng cơm manh áo của một sinh viên nghèo trông cậy rất nhiều vào tiền công dạy thêm hàng tháng. Hơn nữa, trước khi nhận học sinh, thầy đã phải đóng một khoản không nhỏ cho Trung tâm gia sư. Giờ bỏ dạy là mình mất nên đành nhẫn nhịn cho xong.

Cứ thế, mỗi lần có bài kiểm tra điểm cao, cô chị lớn lại vòi vĩnh mẹ thưởng: quần áo, giày dép là phải hàng hiệu, điện thoại phải xịn nhất lớp đó là chưa kể đến việc mẹ hứa sẽ mua cho cái xe ga khi lên cấp ba...

Thằng em nhỏ thì vung tiền “bao” bạn bè chơi game, ăn uống để mỗi lần kiểm tra chúng nó làm bài hộ cho. Nhìn những điểm số cao ngất ngưởng của con, chị vui sướng và hãnh diện lắm. Con thích gì chị cũng sẵn sàng móc ví ra mua. Và cứ thế, chúng mặc định rằng chúng là những người được quyền đưa ra yêu sách, nếu chị không đáp ứng chúng sẽ phản ứng bằng cách giận dỗi, bỏ cơm, nghỉ học...

Vậy nên tháng trước vừa mua máy nghe nhạc cho cô chị, tháng sau chị lại phải mua điện thoại mới cho cậu em đang học lớp 5 kẻo chúng nó tị nạnh nhau.

Rồi chị không tin vào mắt mình khi nhìn thấy bài kiểm tra chất lượng đầu năm của con trai được điểm 2. Tra hỏi thì nó bảo: “Đề khó không làm được” thực ra là hôm thi nhà trường đánh số báo danh và xáo trộn chỗ ngồi nên thằng con chị không trông cậy vào ai được.

Rồi cách đó không lâu chị lại bất ngờ nhận được thông báo của nhà trường nơi con gái lớn học yêu cầu phụ huynh đến gặp Ban Giám hiệu. Đến nơi, chị bàng hoàng khi biết chuyện con gái chị đánh nhau với bạn chỉ vì hai đứa cùng thích một cậu bạn trai. Vị hiệu trưởng giọng nghiêm khắc:

- Đây không phải là lần đầu tiên cháu phạm lỗi, mấy lần trước chúng tôi đều có gửi thông báo về gia đình nhưng rồi chỉ nhận được những lời hồi âm qua giấy của chị rằng bận công tác không đến được và hứa sẽ giúp cháu sửa chữa. Tuy nhiên những lần ấy lỗi cháu còn nhẹ, nhà trường có thể bỏ qua nhưng lần này...

Chị ngồi như hóa tượng. Chị có bao giờ nhận được thông báo nào đâu. Đứa con gái chị đã dám làm cái việc gian dối ấy.

Nhà trường ra quyết định buộc con gái chị nghỉ học một tuần để nghiêm túc nhìn nhận lỗi của mình và sửa chữa. Chị chết lặng đi, còn đứa con gái chị mặt mũi vẫn vênh váo như không có chuyện gì xảy ra:

- Về thôi mẹ, không học trường này thì học trường khác, không chết đâu mà lo.

Đến nước này, chị không thể chịu nổi, dang tay tát nó một cái. Nó bỏ nhà đi ba hôm không về. Chị lại lùng sục khắp nơi đi tìm con. Tìm được nó rồi phải năn nỉ nó mới chịu về.

Nhiều đêm, vắt tay qua trán, chị lại nghĩ về câu nói của hàng xóm thấy xót xa. Đúng là nhà chị có “phúc” nhưng tại chị không biết cách giáo dục và dạy dỗ con nên “phúc” đó biến thành “họa”.