Phụ tùng ô tô giả: Hiểm họa khó lường

ANTĐ - Nhu cầu sử dụng ô tô của người dân ngày càng tăng cao kéo theo những đòi hỏi về phụ tùng thay thế. Tuy vậy, đã có không ít chủ phương tiện lâm vào cảnh nguy hiểm do chiếc xe của mình dùng phải phụ tùng giả… 

Tràn lan phụ tùng giả

Cần đưa xe vào các trung tâm bảo hành chính hãng mỗi khi gặp sự cố. (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Đức Tiến ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân vẫn không giấu được nỗi sợ hãi khi kể lại sự việc: “Cách đây mấy tháng khi đang cùng về quê với người bạn trên chiếc xe Toyota Altis, tôi bỗng nghe thấy tiếng kêu bất thường khá lớn phát ra từ khoang động cơ. Anh bạn tôi vội dừng xe lại thì thấy dầu máy chảy ra từ lốc máy đã bị vỡ. Khi mang xe đến trạm bảo dưỡng của Toyota Việt Nam (TMV), các chuyên gia kỹ thuật của TMV đã phát hiện dầu động cơ cặn bẩn, gãy thanh truyền số 1, lốc máy bị vỡ… Họ kết luận lý do gây ra sự cố của xe là do bộ phận lọc dầu là hàng giả. Thì ra trong trong chuyến công tác lần trước, khi xe gặp trục trặc, anh bạn tôi đã thay phụ tùng tại một cửa hàng sửa chữa ô tô ven đường. Mặc dù chiếc xe này vẫn đang trong thời gian bảo hành nhưng theo nhà sản xuất, chủ xe không được hưởng chế độ này vì phụ tùng gây hỏng hóc cho xe không phải hàng chính hãng.

Ông Nguyễn Tuấn Hải - chủ một gara ô tô trên đường Láng, quận Đống Đa tiết lộ: “Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thị trường phụ tùng ô tô hiện khá phong phú với nhiều loại khác nhau, tùy theo túi tiền của khách. Không chỉ có phụ tùng chính hãng, các cửa hàng sửa chữa ô tô còn cung cấp phụ tùng thay thế (gọi tắt là OEM), phụ tùng đã qua sử dụng, phụ tùng giả, nhái... Vì vậy, người tiêu dùng không có hiểu biết nhất định trong lĩnh vực này rất dễ bị lừa. Thông thường, phụ tùng chính hãng luôn có giá cao nhưng chất lượng bảo đảm với chế độ bảo hành tốt. Còn phụ tùng OEM là sản phẩm của nhà cung cấp cho một hãng xe bán ra ngoài thị trường dưới thương hiệu riêng của nhà cung cấp. Các nhà sản xuất xe ô tô thường không sản xuất toàn bộ phụ tùng cho xe của họ. Đa phần phụ tùng là do nhà cung cấp thiết kế và sản xuất, đóng vào bao bì riêng với logo hoặc nhãn hiệu của nhà sản xuất xe ô tô để người dùng tin rằng họ đang mua sản phẩm chính hãng. Loại phụ tùng này có chất lượng hoàn toàn giống với phụ tùng của nhà sản xuất nhưng có giá chỉ bằng 60 - 70% hàng chính hãng. Điều đáng nói là trên thị trường còn xuất hiện nhiều phụ tùng nhái phụ tùng OEM, được bán với giá tương đương với hàng OEM song chất lượng rất kém. Chúng có xuất xứ chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc. Những phụ tùng ô tô bị làm giả thường là những loại có tần suất sử dụng cao, dùng cho bảo dưỡng định kỳ, thường phải thay thế nhiều như các loại bạc đạn, lọc dầu, phuộc, má phanh, lọc gió, lọc nhiên liệu, bugi, đĩa côn... 

Cần đến trung tâm bảo hành chính hãng

Trước tình trạng phụ tùng ô tô giả đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường, TMV đã đưa ra khuyến cáo, phụ tùng ô tô giả có giá thành rẻ nhưng chất lượng rất kém. Chúng khiến động cơ vận hành không ổn định, tiêu tốn nhiên liệu thậm chí có thể gây hư hỏng nặng cho động cơ của máy. Khi đó, khách hàng sẽ phải trả chi phí sửa chữa cao gấp nhiều lần đồng thời tính mạng của chính họ sẽ bị đe dọa. 

Hiện phụ tùng giả xuất hiện khá nhiều ở các cửa hàng bán đồ chơi xe, các gara sửa chữa ô tô. Phụ tùng của các hãng xe hay bị làm giả là Toyota, Honda, Ford… Tuy vậy, người tiêu dùng do thiếu kinh nghiệm nên rất khó để phân biệt bằng mắt thường đâu là phụ tùng chính hãng, phụ tùng giả. Theo một đại diện Chi cục QLTT Hà Nội, phụ tùng ô tô giả, nhái xuất hiện ngày càng nhiều một phần do công nghệ, kỹ thuật ngày càng tinh vi, luật chưa chặt, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, sự cẩu thả, tùy tiện và tính ham rẻ của người tiêu dùng cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng này… Hành vi trên không chỉ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất chính hãng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và sự an toàn của người sử dụng. 

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán phụ tùng ô tô giả, các chủ xe cần mang xe đến bảo dưỡng tại đúng các trung tâm bảo hành chính hãng, chỉ mua phụ tùng từ các đại lý, nhà phân phối ủy quyền. Trong trường hợp xảy ra sự cố, phát hiện trên xe có phụ tùng giả, chủ xe phải đưa ngay đến các trung tâm bảo hành để thay thế, bởi nếu để lâu, xe có thể có những gây hỏng hóc nhiều bộ phận khác đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

 Toyota Viet Nam đưa ra một số dấu hiệu giúp khách hàng có thể phân biệt phụ tùng thật và giả:

- Vỏ hộp/bao bì: Chữ in hoặc logo trên bao gói phụ tùng giả không sắc nét hay nội dung chỉ tương tự như trên bao gói phụ tùng chính hiệu, (ví dụ chữ “Genuine Parts” thì trên phụ tùng giả in là “General Parts”).

- Hình dáng bên ngoài: Phụ tùng giả thường được làm từ các vật liệu rẻ tiền và thủ công, nên các đường nét không sắc sảo, hình dạng kích thước không đều, vị trí hay tên phụ tùng in không chính xác (ví dụ lọc dầu giả thường không được sơn phủ phần đế).

- Giá phụ tùng: Phụ tùng giả thường có giá rẻ hơn phụ tùng chính hiệu rất nhiều do được làm từ các vật liệu rẻ tiền, không được kiểm nghiệm chất lượng.