Phù thuỷ, thầy bói, lái trâu - nghe là "bỏ mạng"!

ANTĐ -Có biết bao nhiêu câu chuyện cười ra nước mắt ta gặp ở đâu đó trong xã hội Việt Nam liên quan đến mê tín dị đoan mà ta không thể làm ngơ. Tôi thử tìm cho mình lời giải thích vì sao người ta mê tín và sự khác nhau giữa tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan, để đi đến kết luận: Phù thuỷ, thầy bói, lái trâu - nghe là “bỏ mạng”!

Hàng ngàn năm qua, trong các cộng đồng, tôn giáo, tín ngưỡng tồn tại gắn liền với những điều kiện tự nhiên và lịch sử cụ thể. Các tôn giáo: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo… tuy khác nhau nhưng đều chứa đựng một số giá trị phù hợp với đạo lý con người, đều dạy con người hướng thiện, làm điều tốt, tránh xa điều xấu. Tôn giáo là niềm tin, là tình cảm con người, là phong tục tập quán của mỗi cộng đồng và niềm tin tôn giáo là một nhu cầu tinh thần tốt đẹp mang giá trị đạo đức, hướng thiện và làm cho tâm hồn mỗi người trở lên trong sáng hơn, đẹp hơn. Ở Việt Nam, tục thờ cúng tổ tiên, những người đã khuất là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, nó thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. 

Tuy nhiên…(tôi ghét phải dùng từ này) tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ta đang bị bóp méo một cách thảm hại đến mức không thể hiểu nổi. Người ta đặt niềm tin một cách cực đoan vào những thế lực siêu nhiên đến mức mê muội dẫn đến những hành vi phản văn hóa như dẫm đạp lên nhau trong các lễ hội, tranh cướp lộc, hay nhét tiền vào tay Phật, một hình thức đút lót thánh thần? Hầu hết mọi người tìm đến chốn chùa chiền linh thiêng không phải để cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, hay tìm lại sự thanh thản, tĩnh tâm, mà chỉ muốn xin xỏ thánh thần, mong cầu phú quý giàu sang, thăng quan tiến chức và những mục đích cá nhân khác. Nếu thánh thần có linh, liệu có phù hộ???

Chúng ta phải thừa nhận một điều, những hoạt động mê tín dị đoan ở Việt Nam ngày càng trở lên phổ biến. Vì sao con người ta lại trở lên mù quáng và ngu muội phó mặc tương lai, số phận của mình vào thế lực siêu nhiên, hay mấy ông thầy bói như vậy? Có thể lý giải thế này chăng: Vì người ta quá hèn nhát nên sinh ra sợ hãi? Vì người ta quá tham, luôn mong có những điều vượt quá khả năng của mình? Vì người ta sợ phải đối mặt với những rủi ro, những hiểm nguy có thể xảy ra trong cuộc sống? Vì người ta sợ phải chịu trách nhiệm với những quyết định, những việc làm sai lầm, những thất bại.. nên tìm sẵn một thứ an toàn để đổ lỗi đó là “số phận”… hay vì tất cả những điều trên? 

Bản thân tôi luôn tin trên đời này có cái gọi là “Luật nhân quả”. Tôi tin rằng thành công hay thất bại, tốt hay xấu đều do mỗi chúng ta gieo nhân mà thành quả. Ta gieo hạt tốt, chăm bón chu đáo, đến một ngày cây sẽ cho ta trái tốt. Tương tự như những thành bại ở đời không phải xin ai ban phát và cũng không tự nhiên nó đến, nó phụ thuộc vào chính ta. Nếu ta gieo nhân tốt thì chẳng sợ một ngày sẽ gặt quả xấu và ngược lại, nếu ta gieo nhân xấu thì cũng đừng mong cầu tương lai sẽ thu hái được quả tốt. Đó là chân lý giản đơn! 

Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ đến những ai đang đặt cược cuộc đời mình và những người thân của mình vào tay mấy thầy bói nhảm nhí rằng: Chính bạn mới có thể thay đổi được cuộc đời bạn qua hành vi lối sống, qua những việc bạn làm hàng ngày, không ai có thể vẽ cho bạn bức tranh tương lai cuộc đời ngoài bản thân bạn. Những người đoán tương lai cuộc đời người khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, đó là một đại tội - theo nhân quả. 

Hãy là người sáng suốt và tự tin! 

Hãy nhớ câu: “Phù thủy, thầy bói, lái trâu/ Nghe ba anh ấy đầu lâu không còn” (ca dao Việt Nam).