“Phù phép” để được mở trường đại học

ANTĐ - Đây là tiết lộ của hiệu trưởng một trường ĐH có tiếng ở Hà Nội. Ví dụ được ông đưa ra là tình trạng mở ồ ạt các trường đại học trong khi đội ngũ giảng viên thiếu nghiêm trọng và được “phù phép” để qua mắt cơ quan quản lý.

Thí sinh chưa có đủ thông tin tin cậy để lựa chọn vào những trường đại học phù hợp nhất

Vay mượn giảng viên - Bộ có biết?

Câu hỏi được đặt ra khá thẳng thắn từ một vị giáo sư có tiếng của một trường đại học lớn ở Hà Nội. Trong khi dư luận đang tập trung nhiều vào vấn đề các cử nhân trường ngoài công lập chất lượng kém, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị nhà nước từ chối thẳng thừng hồ sơ xin việc của sinh viên ngoài công lập thì chất lượng của những trường ĐH, CĐ công lập mới thành lập cũng được bàn thảo. “Bộ GD-ĐT chắc khó có thể từ chối khi các vị lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố bày tỏ ý định mở một trường đại học riêng của địa phương, nhưng tôi có thể nói là tỉnh chưa đủ trình độ mở một trường đúng với tính chất một trường đại học thực sự” - GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lên tiếng.

GS Trần Phương cho biết: “Có trường ĐH công lập địa phương vừa thành lập đã mở tới 20 ngành học. Lãnh đạo trường tới tìm tôi hỏi kinh nghiệm mở trường, tôi hỏi mở nhiều ngành thế này thì giáo viên ở đâu ra? Họ nói đang khó khăn ở khâu này và ngỏ ý xin “mượn” các thầy trưởng khoa trường tôi. Các thầy chỉ đứng tên thôi, chứ việc giảng dạy ở trường tôi đã hết hơi rồi, sức đâu mà đi cả trăm kilômét xuống trường kia dạy. Đây chỉ là biện pháp nhờ đứng tên mở trường để qua mắt Bộ thôi”.

Cũng theo thông tin từ GS Trần Phương, có trường địa phương mời một giáo sư hóa học về làm hiệu trưởng, nhưng trong tất cả các ngành đào tạo của trường đó không có ngành hóa học. Hỏi tại sao thì trường bảo không tìm được giáo sư nào khác. “Tôi cho rằng 10-20 năm nữa nhiều tỉnh cũng chưa hình thành trường ĐH công lập ở địa phương được vì thiếu giáo viên, dù cơ sở vật chất đã có đủ. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm điểm xem thành lập trường ĐH công lập như vậy có hình thức không?” – GS Trần Phương đặt vấn đề.

Khi nào hết “ác cảm” với trường tư?

Một xếp hạng mới đây cho thấy đánh giá về giáo dục đại học của nước ta không mấy khả quan, trong khi hàng năm, người dân vẫn đầu tư toàn bộ công sức, cùng chi phí lớn cho con em mình vào được trường ĐH. TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT cung cấp báo cáo cạnh tranh toàn cầu đầu tháng 9, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp giáo dục ĐH Việt Nam ở vị trí 95, so với khu vực chỉ hơn 3 nước là Lào, Campuchia, Myanmar. “Xếp hạng 800 trường ĐH toàn cầu không có trường nào của Việt Nam. Xếp hạng 200 trường ĐH châu Á không có trường nào của Việt Nam. Như vậy là đại học chúng ta đang đứng ngoài cuộc chơi” - TS Lê Trường Tùng nhận xét.

Việc học sinh phổ thông luôn xác định mục tiêu hàng đầu là vào được trường ĐH công lập, một phần là vì chất lượng đào tạo, phần nữa không kém quan trọng là học phí thấp bởi kinh phí đào tạo đã được nhà nước hỗ trợ tới 70%. Vấn đề được các chuyên gia giáo dục phân tích ở đây là việc dàn trải, bao cấp cho khối ĐH nhiều như vậy nhưng vẫn chưa đủ chi phí để các trường công lập phát triển nên sinh viên tốt nghiệp vẫn bị kêu là nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, không bắt kịp yêu cầu nhân lực lao động của xã hội.

“Theo tôi, xã hội hóa là giải pháp cần đẩy mạnh trong giáo dục đại học với cả công lập và ngoài công lập” - GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết. Theo ông, đã đến lúc nhà nước không bao cấp kinh phí đào tạo cho toàn bộ sinh viên khối công lập, thay vào đó chỉ tập trung hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các ngành đặc biệt, được nhà nước đặt hàng theo nhu cầu. Còn các ngành bình thường thì sinh viên phải trả toàn bộ kinh phí đào tạo. Sinh viên nghèo thì được hưởng chính sách vay vốn để học, có như vậy nhà trường mới có cơ hội đầu tư, phát triển. Người học cũng vì bản thân phải bỏ tiền, phải vay nợ thì càng có ý thức học lấy kiến thức thật. 

Xóa sự “ác cảm” của xã hội với những sản phẩm đào tạo từ cơ sở ngoài công lập, tạo sân chơi bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT    Bùi Văn Ga, hướng đi được Bộ GD-ĐT đẩy nhanh là tập trung kiểm định chất lượng, xếp hạng các trường đại học trong nước. Đến khi đó, trường công lập, tư thục sẽ không còn chịu sự phân biệt hay lựa chọn bằng định kiến bởi chất lượng được công khai, đánh giá trên một mặt bằng chung.