Phụ nữ kiến tạo hòa bình

ANTĐ - Ngày 7-10, Ủy ban giải Nobel tại Thủ đô Olso, Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2011 cho 3 phụ nữ là Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nhà hoạt động người Liberia Leymah Gbowee và bà Tawakkul Karman, người Yemen cho các nỗ lực đấu tranh phi bạo lực của họ vì sự an toàn của phụ nữ và nữ quyền.

“Chúng ta không thể đạt được dân chủ và hòa bình lâu dài trên thế giới trừ khi phụ nữ có được những cơ hội như nam giới chi phối sự phát triển ở tất cả các cấp độ trong xã hội” - thông báo của Ủy ban Nobel nêu rõ. Ủy ban Nobel đã trao giải cho 3 phụ nữ trên do những đem lại đổi thay quan trọng trong đất nước họ cũng như vai trò của phụ nữ trong những thay đổi đang diễn ra ở thế giới Arập. Giải thưởng này là sự công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc giải quyết một cách hòa bình các cuộc xung đột và sự chuyển đổi dân chủ trên toàn thế giới, nó sẽ tiếp tục khuyến khích phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới tiếp tục đấu tranh vì quyền lợi của chính họ.

Bà Ellen Johnson Sirleaf, 72 tuổi, từng tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ) là nữ Tổng thống được bầu dân chủ đầu tiên ở châu Phi. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Liberia năm 2006, bà đã có rất nhiều đóng góp cho việc đảm bảo hòa bình ở Liberia, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Vinh dự nhận giải thưởng này, bà Ellen Johnson Sirleaf nói rằng nền hòa bình chấm dứt 14 năm nội chiến nên được tặng cho phụ nữ Liberia. Họ là những phụ nữ từ tất cả các tầng lớp xã hội, không quản ngại gian khổ để đem lại hòa bình cho đất nước. Nữ Tổng thống được mệnh danh “người phụ nữ thép” là nhà cải cách, vận động hàng đầu ở Liberia và được xem là hình mẫu cho nhiều phụ nữ ở châu Phi.

Người phụ nữ Liberia thứ hai được trao giải Nobel năm nay - bà Leymah Gbowee, 39 tuổi, là người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành mạng lưới An ninh hòa bình cho phụ nữ châu Phi. Bà được vinh danh vì đã vận động phụ nữ “vượt qua những lằn ranh chủng tộc và tôn giáo để kết thúc cuộc chiến kéo dài ở Liberia, để đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong các cuộc bầu cử”.

Trong khi đó, bà Tawakkul Karman là người đứng đầu tổ chức Các nhà báo nữ không xiềng xích ở Yemen. Bà là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh cho quyền phụ nữ, dân chủ và hòa bình tại Yemen. “Bà ấy là người luôn đề xuất một nền hòa bình không phải bằng con đường bạo lực. Nhờ có Karman, thế giới có một ấn tượng khác về phụ nữ Yemen. Giải thường này không chỉ dành cho Karman mà cho tất cả phụ nữ Yemen” - người phát ngôn Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh nói khi chúc mừng bà Karman đoạt giải.

Ủy ban Nobel Na Uy hy vọng rằng, giải Nobel 2011 được trao cho 3 phụ nữ trên sẽ giúp chấm dứt tình trạng đàn áp phụ nữ tại nhiều nước trên thế giới và đánh thức tiềm năng to lớn của phụ nữ đối với dân chủ và hòa bình. Phần thưởng cho Giải Nobel Hòa bình 1,4 triệu USD sẽ được chia đều cho 3 người đoạt giải.

Leymah Gbowee: “Giải thưởng này sẽ là động lực to lớn cho phong trào giải phóng phụ nữ ở châu Phi và khắp nơi trên thế giới”.

Ellen Johnson Sirleaf: “Tôi xin nhận giải thưởng này thay mặt cho người dân Liberia, trong suốt 8 năm qua, chúng tôi đã có hòa bình và mỗi người dân Liberia, đặc biệt là phụ nữ đều đóng góp cho sự hòa bình này”.

Tawakkul Karman:  “Tôi tin rằng giải thưởng này là dành cho tất cả người dân Yemen, và cho tất cả phụ nữ Arập. Đây là một chiến thắng cho hòa bình ở thế giới Arập, chiến thắng cho cuộc cách mạng hòa bình ở Yemen”.