Phụ nữ bị ngộ độc chì không nên mang thai

ANTĐ - Trước thực trạng nhiều trẻ phải nhập viện vì ngộ độc chì do dùng thuốc nam trong thời gian qua, ngày 11-5, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì. Đây là lần đầu nước ta có phác đồ điều trị ngộ độc chì ở trẻ em. 

Theo phác đồ này, chì gây độc với hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt thần kinh. 25-30% trẻ sẽ bị di chứng vĩnh viễn bao gồm chậm phát triển trí tuệ (mất khả năng học tập và tự phục vụ), co giật, mù, liệt. Trẻ bị ngộ độc chì có thể do tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau, thường là do uống, bôi thuốc cam, thuốc tưa lưỡi,… lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn) hoặc sơn có chì (loại sơn cũ, đồ chơi dùng sơn chì)…. Việc điều trị sẽ bao gồm điều trị các triệu chứng kèm theo, dùng thuốc thải độc chì.

Hướng dẫn này cũng lưu ý, phụ nữ đang bị nhiễm độc chì không nên có thai. Với phụ nữ đang có thai thì nên lựa theo độ an toàn khi dùng thuốc. Nếu mẹ bị nhiễm độc chì tốt nhất không nên cho con bú, đồng thời cần xét nghiệm chì trong sữa, nếu chì trong sữa không đáng kể mới cho trẻ bú.