Phủ nhận đề thi trắc nghiệm Toán trên mạng là đề minh họa

ANTD.VN - Chiều 12-9, Bộ GD-ĐT đã giải đáp các thắc mắc liên quan đến thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 và khẳng định đề thi Toán lan truyền trên mạng không phải của Bộ.

-Học sinh có phải thay đổi như thế nào về cách học khi một số môn thi chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm?

-Trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi TNKQ hoặc tự luận. Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải "tìm" đáp án; còn câu hỏi TNKQ thì học sinh phải "chọn" đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi. Để "chọn" được đáp án đúng thì thí sinh phải biết "tìm" đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi TNKQ). Như vậy, hình thức câu hỏi TNKQ hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Dù câu hỏi theo hình thức nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kĩ năng thì mới "tìm" rồi "chọn" được đáp án đúng một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất.

- Khi chuyển từ thi tự luận sang thi TNKQ thì sách giáo khoa có cần phải thay đổi không?

- Sách giáo khoa là tài liệu cụ thể hoá những nội dung giáo dục được quy định trong chương trình, cung cấp tri thức nền tảng, hệ thống, toàn diện và được lựa chọn theo các quy luật sư phạm; hướng dẫn hoạt động học, hỗ trợ hoạt động dạy. Vì vậy, không có sách giáo khoa nào biên soạn riêng cho thi tự luận hay cho thi TNKQ.

Dù là thi theo hình thức tự luận hay TNKQ thì học sinh vẫn cần phải nắm vững và sử dụng cùng một kiến thức, kĩ năng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thể hiện trong sách giáo khoa để trả lời câu hỏi. Gần mười năm nay các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức TNKQ nhưng giáo viên và học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa hiện hành để dạy-học và vẫn cho kết quả tốt, điều đó cho thấy việc dùng sách giáo khoa hiện hành không ảnh hưởng gì đến việc thi theo hình thức TNKQ hay tự luận.

Bộ GD-ĐT khẳng định hình thức câu hỏi TNKQ hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học

-Thi trắc nghiệm, đặc biệt là trắc nghiệm môn Toán có kiểm tra được tư duy logic, sáng tạo của thí sinh không?

- Thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức TNKQ có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức TNKQ. Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1800 trường đại học của Hoa Kỳ.

Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi TNKQ được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học. Cho dù có nhiều cách giải khác nhau trong bài toán cũng cùng đến một kết quả do vậy khi thiết kế câu hỏi thi các chuyên gia đã tính toán tối thiểu phải qua bao nhiêu bước tư duy mới giải được và mất tối thiểu bao nhiêu thời gian, nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian thì các thí sinh này thực sự có năng lực bậc cao để giải quyết hết các câu hỏi trong bài thi. Thực tế, trong các các câu hỏi TNKQ, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi TNKQ hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.

- Bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội là bài thi tích hợp hay bài thi tổ hợp? Việc làm và chấm điểm các môn thi thành phần như thế nào? Thí sinh có phải làm cả hai bài thi này không?

- Các bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh chọn thi thêm bài thi KHTN hoặc bài thi KHXH. Nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể thi cả 2 bài thi này để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ nhiều ngành khác nhau. Khác với các năm trước, năm nay thí sinh biết trước các môn thi ngay từ đầu năm, do đó giúp thí sinh chủ động hơn trong ôn tập.

Thí sinh có thể thi tất cả 5 bài thi để tăng cơ hội xét tuyển ĐH

- Thay đổi cấu trúc bài thi TNKQ có thể dẫn đến thay đổi mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm. Điều này có gây khó khăn cho thí sinh khi làm bài? Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện như thế nào?

- Mặc dù cấu trúc bài thi TNKQ có thay đổi so với các năm trước (với các bài Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội) nhưng hình thức câu hỏi TNKQ và phương án trả lời sẽ không thay đổi so với trước đây. Vì vậy, sẽ không gây khó khăn gì cho thí sinh khi làm bài thi TNKQ. Về cơ bản mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm của các môn thi độc lập sẽ giữ như năm 2015, 2016. Phiếu trả lời trắc nghiệm của các bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội sẽ bố trí phù hợp với yêu cầu thi các môn thành phần. Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện tương tự như những năm trước: bài thi của thí sinh với mã đề thi xác định sẽ được quét vào máy tính, phần mềm chấm sẽ nhận dạng phương án trả lời của thí sinh, đối chiếu với đáp án để quy điểm. Bộ sẽ cung cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm và yêu cầu các Hội đồng thi thống nhất sử dụng phần mềm chấm thi này để đảm bảo an toàn trong chấm thi và độ tin cậy của kết quả thi.

- Thí sinh đã ôn thi theo khối thi truyền thống A, B, C, D, A1 từ trước nay sẽ thi như thế nào?

- Đối với các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, khi điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới Bộ sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển đảm bảo quyền lợi của thí sinh đã ôn tập theo khối thi từ trước. Năm 2015, các trường đã dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống; năm 2016 đã dành ít nhất 50% và dự kiến năm 2017 các trường sẽ dành ít nhất 25%.

Tổ hợp các môn thi của các khối thi truyền thống được xác định như những năm trước đây. Các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ không có gì thay đổi. Các môn còn lại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí sẽ lấy điểm thành phần tương ứng của các bài thi tổ hợp.

Cũng như năm 2015 và năm 2016, ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, các trường có thể quy định các tổ hợp xét tuyển mới, bao gồm cả bài thi KHTN hay bài thi KHXH, để xét tuyển vào các ngành nghề phù hợp.

- Hiện nay trên mạng xã hội đã lan truyền các bộ đề thi trắc nghiệm môn toán. Đó có phải là bộ đề thi minh họa của Bộ? Khi nào Bộ ban hành đề thi minh họa?

- Để có bộ đề thi trắc nghiệm chuẩn hoá với yêu cầu đánh giá và phân loại được thí sinh một cách rõ ràng, khách quan nhất thì cần phải có thời gian chuẩn bị, sử dụng thử, điều chỉnh... Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với ĐHQGHN rà soát, đánh giá, chuẩn hoá đề thi thêm một bước nữa cho phù hợp với mục đích của kỳ thi THPT quốc gia, bổ sung ngân hàng câu hỏi để xây dựng đề thi minh hoạ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Dự kiến đề thi minh họa sẽ được công bố đầu tháng 10 tới để thí sinh biết định dạng của đề thi, yên tâm ôn tập.

Các đề thi trắc nghiệm môn Toán đang lan truyền trên mạng xã hội không phải là đề thi minh họa của Bộ. Thí sinh nên tham khảo ý kiến các thầy cô giáo khi nghiên cứu các đề thi này, tránh nhầm lẫn với đề thi minh hoạ chính thức của Bộ GDĐT. Đề thi minh họa của Bộ sẽ công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ:http://www.moet.gov.vn