“Phòng xa” không phải lúc nào cũng tốt

ANTĐ - Tình huống đặt ra là, bạn chuẩn bị phải đi đâu đó, ra đến cửa, bạn dừng lại và tự hỏi: “Hay là mình vào nhà vệ sinh đã, về sau đỡ phải lo”. Khi đó, bạn vào toilet hay cứ đi? Hãy tiếp tục đi, Tiến sĩ Elizabeth Farrell, một bác sĩ phụ khoa ở Jean Hailes, Australia khuyên bạn. 

Lý do là, hãy để cho bàng quang của chúng ta thực hiện đúng chức năng thông thường của nó, khi nào có nhu cầu tiểu tiện, bàng quang sẽ “tự nói” với bạn. “Nếu chúng ta cứ đi tiểu để “phòng xa”, bàng quang không bao giờ đầy lên đúng lúc, rồi bị co lại một chút, như vậy người ta luôn có cảm giác sẽ phải “đi” thường xuyên hơn, bác sỹ Elizabeth Farrell cảnh báo. 

Nên “nhịn” hay không?

Chỉ nên vào nhà vệ sinh khi cần, đó là nguyên tắc chung áp dụng cho mọi người, đặc biệt là trẻ em đang trong giai đoạn được rèn nếp đi vệ sinh hay phụ nữ sau khi sinh bởi những đối tượng này thường được khuyến khích “đi” trước khi cảm thấy “mót”. Theo bác sỹ Farrell, điều này quan trọng vì: Nếu khuyến khích trẻ em đi toilet chỉ để phòng xa, sẽ tạo cho chúng thói quen “đi” lúc không thực sự cần, có thể trái ngược với nhu cầu của cơ thể. Còn với phụ nữ mới sinh, việc đó càng phải tránh vì lúc này họ cần tập luyện cho cơ bàng quang, vốn bị kéo dài trong thời kỳ mang thai và sinh nở.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn cố giữ để bàng quang căng lên hoặc thường xuyên “nhịn” khiến bàng quang trở nên quá căng thẳng. Nếu bàng quang thường xuyên bị căng lên, chức năng của nó chắc chắn bị ảnh hưởng. Khi đó, nước tiểu đọng lại nhiều trong bàng quang có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu và bạn có thể phải vào nhà vệ sinh lâu hơn một chút để xả cho “đã”.

Một lưu ý khác mà bà 

Farrell nhắc nhở là phụ nữ nên đi vệ sinh sau khi quan hệ tình dục, ngay cả khi họ không cảm thấy cần để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Mục đích của việc này là gạt bỏ vi khuẩn bám quanh lối vào niệu đạo hoặc ở trong niệu đạo.

Tiểu không tự chủ 

Những người hay đi tiểu để “phòng xa” cũng có nhiều trường hợp do rơi vào tình trạng tiểu không tự chủ, tức là bị són tiểu. Nhưng theo các chuyên gia, kể cả như vậy, thói quen đi vệ sinh vào lúc không cần thiết không phải là ý tưởng hay vì nó có thể làm trầm trọng thêm vấn đề do giảm chức năng của bàng quang.

Tiểu không kiểm soát chủ yếu là do quá trình lão hóa và cũng tương đối phổ biến ở phụ nữ sau khi mang thai và sinh con. Các bài tập để cải thiện sức khỏe của bàng quang, trong đó chú trọng đến việc kéo các cơ bắp xung quanh vùng khung chậu rất hiệu quả.

Trong khi đó, theo thống kê của các nhà khoa học Australia, tiểu không tự chủ mặc dù phổ biến hơn ở nữ giới nhưng có tới 20% nam giới cũng mắc bệnh này. Đàn ông lớn tuổi có các triệu chứng này chủ yếu do bị phì đại tuyến tiền liệt hoặc sau khi phẫu thuật tuyến tiền liệt. Tương tự như nữ giới, các bài tập về khung chậu đặc biệt quan trọng giúp bệnh nhân cải thiện việc kiểm soát bàng quang.

Thói quen lành mạnh

Không hẳn là vấn đề bạn phải quá chú tâm nhưng duy trì bàng quang khỏe mạnh là điều quan trọng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là để phòng ngừa các vấn đề phát sinh khi về già. Vậy, muốn bàng quang hoạt động đúng chức năng của nó, chúng ta cần:

• Uống khoảng 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.

• Tránh uống quá nhiều đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê, sôcôla nóng, nước giải khát vì chúng có thể kích thích bàng quang.

• Thực hiện các bài tập khung chậu thường xuyên, ngay cả khi không bị tiểu không tự chủ.