Phóng viên vào vai… con nghiện

ANTĐ - Phóng sự luôn là một trong những mảng đề tài có sức hút “mạnh” đối với những người cầm bút, đặc biệt là phóng sự phản ánh những mặt gai góc, những góc khuất trong bức tranh muôn màu của cuộc sống. Thâm nhập vào điểm nóng mua bán ma túy lại càng là công việc nguy hiểm và đầy rủi ro.

Những bệnh nhân được bệnh viện kiểm soát chặt chẽ hơn vào giờ cấm

Để có được những đoạn video ghi lại hình ảnh đối tượng nghiện đang mua hàng trắng gần cổng bệnh viện 09 nằm trên địa bàn giáp ranh giữa huyện Thanh Trì và quận Hà Đông, Hà Nội, tôi đã phải đóng giả là những sinh viên mới ra thành phố đang tìm thuê nhà trọ. Mặc dù được cảnh báo đây là một trong những “điểm nóng” về tệ nạn ma túy đến ngay cả người dân sống ở đây cũng phải lè lưỡi, lắc đầu về sự phức tạp và nguy hiểm của nó, song tôi vẫn quyết định thâm nhập để lấy thông tin. Để có những hình ảnh làm bằng chứng về hoạt động mua bán của các con nghiện quả không hề đơn giản, bởi những đối tượng này rất tinh ranh và nhiều thủ đoạn.

Sau nhiều ngày quan sát, cuối cùng tôi cũng tìm ra… góc độ có thể đặt máy quay phim, chụp ảnh các đối tượng. Đáng nhớ nhất, trong khi đang tác nghiệp, một đối tượng bán ma túy chạy thẳng về phía tôi đặt máy quay bí mật. Tim tôi đập thình thịch, trong đầu nghĩ cách ứng biến nếu trường hợp bị chúng phát hiện. Nhưng rồi, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm vì tên này chạy gần chỗ tôi chỉ để lấy thêm tép ma túy mà trước đó hắn đã giấu dưới bãi cỏ. Ngay sau khi những đoạn video ấy được hoàn thành, tôi vẫn còn thấy sợ hãi, bởi tôi cũng không dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng phát hiện ra sự có mặt của mình lúc đó.

Song để có những thông tin chân thực nhất về hoạt động mua bán tại khu chợ có một không hai này, tôi còn phải vượt qua một sự nguy hiểm đáng sợ hơn, đó là tìm ra bằng chứng chúng đang có “kho” ma túy trong bệnh viện. Để chứng minh được điều này, tôi còn phải thực hiện một “vai” nguy hiểm và kịch tính hơn nhiều, đó là đóng giả con nghiện đến mua thuốc, và phải “dụ” bằng được chúng vào bên trong bệnh viện để lấy thêm “hàng”…

Muốn dụ chúng lộ diện, tôi phải mua lượng lớn, trong khi đó các đối tượng nghiện chỉ mua với số lượng nhỏ dùng 1 lần. Vậy làm thế nào để chúng không nghi ngờ là câu hỏi khiến tôi mất ăn, mất ngủ. Ngày tiếp theo của kế hoạch, tôi lựa thời điểm đông khách rồi thản nhiên phóng xe máy đến trước cửa bệnh viện 09. Dù đã chứng kiến nhiều ngày về việc mua bán nhưng khi đối diện với đối tượng bán hàng, tôi vẫn không khỏi lo lắng. Làm ra vẻ tự nhiên, tôi hỏi trống không: “Còn không?”, tên bán hàng cũng trả lời cụt lủn: “Còn. Lấy bao nhiêu?”. “Năm”. “Thế phải chờ vào lấy. Đây không đủ” - nói xong hắn quay người, dáng xiêu vẹo đi vào trong bệnh viện. Vội vàng phóng xe vọt đi, 15 phút sau, hắn quay lại không thấy tôi đâu cũng chẳng thèm thắc mắc mà ném số hàng vừa lấy dưới cột điện, ngay cạnh cổng bệnh viện để bán cho những tên nghiện khác.

Với những hình ảnh, video mà tôi thu được sau những ngày vào vai con nghiện, tôi đã có một bài phóng sự sinh động hoạt động phạm tội của những đối tượng đang hàng ngày gieo rắc cái chết trắng cho những con người khác. Ngay sau đó, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an thành phố Hà Nội, Công an huyện Thanh Trì cùng phối hợp với Đồn Công an Cầu Bươu thống nhất các biện pháp triệt phá điểm nóng ma túy trước cửa bệnh viện. Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là sau khi bài báo được đăng tải, một vài người dân đã gọi điện thoại cho tôi vui mừng thông báo việc mua bán ma túy tại đây đã giảm hẳn, không còn hiện tượng mua bán ma túy công khai như trước.