Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021)

Phóng viên văn hóa xoay xở trong cơn đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 ập tới kéo theo những lo lắng, băn khoăn và cả sự sợ hãi. Với các phóng viên theo mảng văn hóa - giải trí như tôi thì nỗi lo thường trực mỗi ngày chính là việc biết làm gì đây khi tất cả các sự kiện văn hóa đều đã “đóng băng”?

Đau đầu tìm kiếm đề tài

Nếu như phóng viên theo dõi mảng y tế, những ngày dịch dã thế này có thể tất bật với hàng loạt thông tin nóng bỏng được cập nhật liên tục, thì phóng viên văn hóa lại là những người có phần nhàn nhã, thong thả. Nhưng đó chỉ là bề nổi, còn kỳ thực họ lại là những người đứng ngồi không yên vì luôn phải quay cuồng với suy nghĩ viết cái gì? Phỏng vấn ai?

Đại dịch Covid-19 đang ở làn sóng thứ tư, có nghĩa là các phóng viên văn hóa đã có 4 lần trải qua nhiều lo lắng về công việc chuyên môn. Đã thành lệ ở bất cứ tòa soạn nào cũng vậy, phóng viên mỗi sáng thức dậy sẽ phải đăng ký đề tài triển khai trong ngày. Trong bối cảnh người người ở nhà xem Youtube, Facebook thay vì đến các rạp chiếu phim, địa điểm vui chơi để thưởng thức các chương trình nghệ thuật, không lẽ phóng viên văn hóa ngồi chơi? Những lúc khó khăn cũng chính là thời điểm thử thách lòng yêu nghề đối với mỗi nhà báo. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, bằng việc cất công mày mò tìm kiếm thông tin mọi nguồn mới có thể mang đến các đề tài thiết thực khi đại dịch hoành hành.

Trong “cái khó ló cái khôn”, nếu như trước đây các hoạt động đều diễn ra trực tiếp thì nay lại chuyển sang môi trường trực tuyến. Bắt lấy yếu tố này, các đề tài triển khai của một phóng viên văn hóa như tôi trong suốt 4 làn sóng đại dịch càn quét tại Việt Nam đều bám vào môi trường số. Đó là các hoạt động về đấu giá trực tuyến, các triển lãm, tọa đàm trực tuyến, các bài viết giới thiệu sách trên internet…

Ở làn sóng thứ nhất của đại dịch Covid-19, An ninh Thủ đô và Công ty Indochineart đã cùng nhau triển khai chương trình đấu giá trực tuyến ủng hộ các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch. Chương trình kéo dài gần 1 tháng thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận cũng như giới họa sĩ trong nước. Đó là sự tham gia nhiệt tình của họa sĩ 3 miền Bắc - Trung - Nam đóng góp tác phẩm. Giới sưu tầm cũng theo rất sát các tác phẩm lên sàn và đã có những bước giá nhảy vọt, thậm chí là mua đứt tác phẩm ngay khi mở màn.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đón nhận từ Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - đại diện Ban Biên tập An ninh Thủ đô và ông Lưu Xuân Quý - Chủ tịch Indochineart món quà tiếp sức các y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch gồm 100 triệu đồng tiền mặt và các tác phẩm nghệ thuật

TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đón nhận từ Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - đại diện Ban Biên tập An ninh Thủ đô và ông Lưu Xuân Quý - Chủ tịch Indochineart món quà tiếp sức các y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch gồm 100 triệu đồng tiền mặt và các tác phẩm nghệ thuật

Thích ứng để thay đổi

Nhờ có chương trình đấu giá này, một phóng viên văn hóa theo dõi mỹ thuật như tôi đã sống qua những ngày cả thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách. Và tôi là người may mắn hơn các đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí khác khi chính cơ quan mình đang làm việc, lại tạo ra cho tôi có một đề tài viết không biết mỏi trong suốt 1 tháng trời. Ở những sóng tiếp theo của đại dịch, mỗi lần đi qua đều để lại những kỷ niệm trong đời làm báo của tôi. Đó chính là khả năng xoay trở, thích ứng và biến khó khăn thành động lực để bước tiếp với nghề.

Với đòi hỏi ngày càng cao của báo chí hiện đại, nếu chỉ đưa tin đơn thuần sẽ khiến các bài viết nhạt nhẽo, thiếu sức thuyết phục. Vì vậy, cần nhiều hơn các bài viết có vấn đề, tập trung làm rõ những khó khăn của giới văn nghệ sĩ trong hoàn cảnh các “sô” diễn đều tạm dừng, nghệ sĩ đi chạy Grab, bán hàng online để kiếm sống qua ngày khi nguồn thu nhập chính hoặc là bị cắt đứt, hoặc là bị giảm sút.

Hay các đơn vị biểu diễn nghệ thuật công lập kêu cứu vì phải cho diễn viễn nghỉ việc, hết nguồn thu… Giữa những lúc khó khăn, nhiều người bị thất nghiệp, bị rơi vào trạng túng quẫn, sự động viên, an ủi là vô cùng đáng quý. Với cánh báo chí, sự giúp đỡ các văn nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật không phải là tiền bạc mà chính là những bài viết mang tính động viên, khích lệ và phản ánh những khó khăn mà họ đang phải đối diện. Hiệu quả của các bài viết như thế đã tới được với các cơ quan chức năng. Và vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc họp khẩn với các nhà hát và đưa ra kiến nghị với Chính phủ về gói hỗ trợ cho các nhà hát, nhằm tháo gỡ khó khăn. Khi mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc cũng là lúc niềm vui của một người cầm bút như tôi được nhân lên gấp bội.

Đại dịch khép lại những cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp nhưng lại mở ra những cơ hội giao lưu trên không gian mạng. Cánh phóng viên văn hóa tác nghiệp trong đại dịch cũng vậy. Không còn những cuộc họp báo trực tiếp để lấy tin, không còn những cuộc tác nghiệp trực tiếp nơi khán phòng, thay vào đó những là cuộc trao đổi “online” để tìm hiểu viết bài. Mỗi hoàn cảnh sẽ tạo ra cho con người những thách thức khác nhau. Điều quan trọng là vững tin và thích ứng để không bị khó khăn hạ gục.

Bài viết trong làn sóng đại dịch lần thứ 4 nhận được 17.000 lượt yêu thích đã mang lại niềm vui nho nhỏ cho tác giả trong những ngày văn hóa “đóng băng” các sự kiện

Bài viết trong làn sóng đại dịch lần thứ 4 nhận được 17.000 lượt yêu thích đã mang lại niềm vui nho nhỏ cho tác giả trong những ngày văn hóa “đóng băng” các sự kiện

Đại dịch khép lại những cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp nhưng lại mở ra những cơ hội giao lưu trên không gian mạng. Cánh phóng viên văn hóa tác nghiệp trong đại dịch cũng vậy. Không còn những cuộc họp báo trực tiếp để lấy tin, không còn những cuộc tác nghiệp trực tiếp nơi khán phòng, thay vào đó những là cuộc trao đổi “online” để tìm hiểu viết bài. Mỗi hoàn cảnh sẽ tạo ra cho con người những thách thức khác nhau. Điều quan trọng là vững tin và thích ứng để không bị khó khăn hạ gục.