Phóng viên thể thao “ăn ngủ” cùng SEA Games

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại hội thể thao Đông Nam Á 2022 (SEA Games 31) là sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, diễn ra ở Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận vào tháng 5 vừa qua. Đây là dịp tác nghiệp “bở hơi tai” với các phóng viên, nhưng cũng là nơi để họ rèn luyện và tích lũy những trải nghiệm đáng nhớ cùng nghề báo.
Nhà báo Phi Điệp

Nhà báo Phi Điệp

Việt Trì những ngày không thể quên

SEA Games 31 có 40 môn thi với 523 nội dung thi đấu, tuy nhiên trước khi Đại hội chính thức khai mạc, bóng đá nam là môn diễn ra sớm nhất, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ người hâm mộ. Trong khi bảng A, nơi có sự hiện diện của U23 Thái Lan thi đấu trên sân Thiên Trường (Nam Định), thì bảng B của U23 Việt Nam diễn ra ở sân Việt Trì (Phú Thọ). Đó là lý do một thành phố hiền hòa, thậm chí có phần buồn tẻ như Việt Trì lại trở nên sôi động, rực rỡ lạ thường trong những ngày “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”.

Với các phóng viên theo dõi U23 Việt Nam, dự báo trước tình hình căng thẳng về khách sạn, nhiều người đã phải đặt phòng nghỉ từ cả tháng trước khi SEA Games diễn ra. 100% các khách sạn ở gần sân vận động Việt Trì đều “cháy” phòng vào thời gian này. Nhiều người may mắn đặt được phòng ở gần, thuận tiện cho việc tác nghiệp các buổi tập, trận đấu của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo, hoặc làm phóng sự về cổ động viên địa phương, về tình trạng “vé đen”... Trong khi đó, có không ít người phải ở khách sạn, nhà nghỉ tương đối xa sân, thậm chí có người còn phải “sáng đi, tối về”. Dù khoảng cách giữa Hà Nội và Việt Trì không quá xa (trên dưới 90km), nhưng việc di chuyển trong ngày luôn khiến họ mệt mỏi và tốn thời gian.

Ở các trận bóng đá, đặc biệt là có U23 Việt Nam, không chỉ người hâm mộ phải vất vả để sở hữu vé vào sân, mà ngay cả các phóng viên cũng phải trầy trật để được... vào sân tác nghiệp. Câu chuyện tưởng như đùa ấy lại hoàn toàn là sự thật. Do số lượng báo chí đăng ký làm thẻ quá đông (khoảng 3.000 người), nên đề phòng việc tất cả cùng vào sân một lúc có thể khiến sân “vỡ trận”, Ban tổ chức đã nghĩ ra việc phát thẻ phụ với số lượng hạn chế cho các phóng viên theo từng trận.

Các phóng viên vây quanh kiếm thủ Vũ Thành An sau khi giành HCV. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Các phóng viên vây quanh kiếm thủ Vũ Thành An sau khi giành HCV. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Ban đầu, Ban tổ chức yêu cầu các phóng viên phải từ Việt Trì ngược về Hà Nội chỉ để lấy thẻ phụ này, khiến ai cũng... hốt hoảng và ngao ngán. Nhưng sau đó, những chiếc thẻ phụ được linh động phát tại sân. Tuy nhiên, ai đến muộn khi thẻ đã hết, coi như sẽ phải tác nghiệp bên ngoài. Đó là lý do các phóng viên thường đến rất sớm, thậm chí phải ganh đua nhau từng phút để tránh rơi vào cảnh “ra rìa”.

Vượt qua cửa ải mang tên thẻ phụ, các phóng viên còn phải vượt qua một trở ngại lớn tiếp theo là thời tiết. Thật kỳ lạ, sân Việt Trì tổ chức 5 trận của U23 Việt Nam thì 4 trận diễn ra dưới trời mưa to gió lớn. Đây thực sự là một màn tra tấn tinh thần, thể xác và cả... vật chất với các phóng viên ảnh, quay phim. Họ phải dầm mưa ít nhất 2 tiếng mỗi ngày dưới đường piste. Không ít người “ướt như chuột” sau trận đấu, bởi có chiếc áo mưa thì đã phải dùng để bọc cho chiếc máy ảnh khỏi ướt. Trong trường hợp này, người có thể ốm chứ nếu máy ngấm nước mà “ốm” thì coi như đi tong cả kỳ SEA Games.

Với các phóng viên viết, có một khu riêng được bố trí để tác nghiệp trên khán đài A. Nhưng cũng như việc lấy thẻ phụ, nếu đến muộn, rất có thể phóng viên đó sẽ phải... đứng để viết bài, bởi các khán đài sân Việt Trì đều chật như nêm cối ở mỗi trận đấu của U23 Việt Nam.

Đi “du lịch” quanh Hà Nội

Chưa nói đến các tỉnh, thành phố lân cận, việc di chuyển qua các sân vận động, nhà thi đấu trên địa bàn Thủ đô trong ngày đã là thách thức không nhỏ với cánh phóng viên thể thao. Theo thống kê, Hà Nội là địa điểm chính diễn ra hơn 20 môn thi SEA Games 31, nổi bật có điền kinh, bơi, bắn súng, các môn võ, thể dục dụng cụ, vật, cử tạ, thể hình, bóng rổ...

“Đây là kỳ SEA Games ấn tượng nhất mà tôi từng tác nghiệp”.

Phóng viên Muhammad Adi Yaksa (Tờ Bola của Indonesia)

Không ai có thể đi hết các môn nhưng với chúng tôi, mỗi ngày di chuyển mấy chục km là chuyện bình thường. Cá biệt có phóng viên đi lại cả 100km mỗi ngày để săn ảnh và đưa tin bài phục vụ bạn đọc. Điển hình như Song Ngư - cộng tác viên “ruột” của An ninh Thủ đô, nhà ở Long Biên nhưng có hôm buổi sáng anh chụp wushu ở nhà thi đấu Cầu Giấy, trưa lên Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (Nhổn) làm bắn súng, chiều săn ảnh điền kinh ở sân Mỹ Đình trước khi kết thúc công việc trong ngày tại nhà thi đấu Tây Hồ với Taekwondo.

Đi làm trong tình trạng đói và khát thường xuyên, rất may nhiều Ban tổ chức sân, nhà thi đấu có phục vụ ăn nhẹ, bánh ngọt, nước uống, hoa quả... một cách đầy đủ cho các phóng viên. Đó là nguồn calo rất kịp thời để anh em nhanh chóng nạp năng lượng và tiếp tục công việc. “Làm SEA Games vất vả đấy nhưng tôi cứ coi như nó là những chuyến “du lịch” quanh Hà Nội, đến những nơi mà thậm chí mình chưa từng đặt chân, như nhà thi đấu Đan Phượng chẳng hạn, là một trải nghiệm rất thú vị và khó quên trong đời”, phóng viên Song Ngư chia sẻ.

Các phóng viên xử lý ảnh, tin bài ngay tại nhà thi đấu Hà Nam, nơi diễn ra môn futsal

Các phóng viên xử lý ảnh, tin bài ngay tại nhà thi đấu Hà Nam, nơi diễn ra môn futsal

Đó là câu chuyện tác nghiệp SEA Games chỉ riêng tại Hà Nội. Còn 11 tỉnh, thành phố lân cận thì sao? Hẳn nhiều bạn đọc cùng có chung thắc mắc đó. Rất may là với những địa điểm thi đấu ở tỉnh, Ban tổ chức SEA Games bố trí các xe buýt miễn phí hàng ngày để chuyên chở phóng viên đi Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ hay Hà Nam... Đây thực sự là hành động “ghi điểm” tuyệt với của Ban tổ chức với giới truyền thông, bởi nó đã giúp công việc của các phóng viên thuận lợi và suôn sẻ hơn rất nhiều.

Đội ngũ lái xe cũng như tình nguyện viên của SEA Games 31 đều vô cùng nhiệt tình hỗ trợ báo chí, với việc thông báo về thời gian di chuyển, liên lạc với từng người để không bỏ quên ai... một cách chi tiết và chu đáo nhất. Trong những ngày diễn ra môn bóng đá nữ ở Quảng Ninh, những chuyến xe đều đặn chạy và khi về đến Hà Nội đã là 1-2h sáng là chuyện rất bình thường.

Trong quá trình tác nghiệp, dù phải di chuyển liên tục, các phóng viên thể thao vẫn luôn đảm bảo tin bài, ảnh chụp cập nhật về cho tòa soạn để phục vụ độc giả. Niềm vui chúng tôi tìm thấy trong công việc của mình là mỗi ngày lại được “tắm” dưới cơm mưa Huy chương Vàng mà các vận động viên tạo ra. Đó là động lực thôi thúc mỗi phóng viên làm tốt hơn nữa, chất lượng hơn nữa để phục vụ độc giả, dù công việc này có lẽ không bao giờ có tấm Huy chương Vàng nào.

“Khán giả Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng thật tuyệt vời. Tôi chưa từng nghĩ chúng tôi ra nước ngoài thi đấu mà khán giả bản địa lại đến chật kín sân cổ vũ như vậy. SEA Games 31 khiến tôi thấy yêu Việt Nam hơn rất nhiều. Nếu có dịp, tôi chắc chắn sẽ đưa gia đình sang Việt Nam du lịch”.

Phóng viên Tanit Earbsuk (Thái Lan)