Phóng viên Tân Hoa xã phản đối thiết lập “thành phố Tam Sa”

ANTĐ - Trong khi những người tự xưng là “chuyên gia” ở Trung Quốc lên tiếng ủng hộ việc thiết lập thành phố Tam Sa, đồng thời có những luận điệu kích động quốc dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thì thạc sỹ Chu Phương, phóng viên Tân Hoa xã, đã lên tiếng phản bác với những phân tích vô cùng sâu sắc về “trò cười” của chính phủ nước này. 

Đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: Mạnh Hùng/VOV)

Chu Phương sinh năm 1960, ở Giang Tô, năm 1978 tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ trường Đại học Lan Châu, năm 1986 hoàn thành chương trình cao học tại khoa Tin tức, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Từ tháng 8-1989 đến nay, Chu Phương công tác tại Ban biên tập đối ngoại, Tân Hoa xã. Trong làng báo, ông được biết đến là người rất thẳng thắn, đặc biệt là sau những bài viết phê phán “mô hình Trùng Khánh” hồi tháng 3 vừa qua.

Liên quan đến việc Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa, Chu Phương đã có những phân tích, luận giải sâu sắc nhằm mục đích kêu gọi xóa bỏ ngay hành động phi lý này. Ngày 17-7, ông đăng bài viết “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có thể đẩy lùi cải cách chính trị của Trung Quốc” trên blog cá nhân, trong đó mở đầu bằng câu: “Ý nghĩa lớn nhất của việc thiết lập thành phố Tam Sa chính là cho thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc, đồng thời cũng khiến chính phủ và quân đội Trung Quốc lật bài ngửa với các quốc gia láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông”. 

Trước đó, trong bài “Từ bài báo trên “Thời báo Hoàn cầu” cho thấy lý do hoang đường về việc thiết lập “thành phố Tam Sa”, Chu Phương viết: “Trước đây không lâu, “Thời báo Hoàn cầu” có đăng bài viết của những người được gọi là “chuyên gia”, cho rằng việc thiết lập “thành phố Tam Sa” nhằm “giáo huấn Việt Nam”.

Nhiều người lập tức nhận thấy lý do đó quá hoang đường. Nếu Chính phủ Trung quốc dựa vào những chuyên gia này để giải quyết các vấn đề quốc tế, hậu quả sẽ vô cùng đáng sợ. “Quốc gia không phân biệt lớn nhỏ, tất cả đều bình đẳng” là nguyên tắc đã được thế giới công nhận, nên cái gọi là “giáo huấn” nước khác vốn chỉ thích hợp với các triều đại phong kiến coi mình là trung tâm, ngông cuồng tự đại, cần phải vứt bỏ từ lâu, vậy mà sao tới hôm nay vẫn có người hứng thú với nó? Biển Đông không phải là vùng biển của Trung Quốc, càng không phải lãnh hải của Trung Quốc. Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” nhằm “giáo huấn” Việt Nam không chỉ điên cuồng, mà là một biểu hiện của sự vô tri”.  

Nhằm kêu gọi xóa bỏ ngay cái gọi là “thành phố Tam Sa”, ông viết: “Rất nhiều người Trung Quốc cho tới nay vẫn không hiểu vì sao Nga lại tham gia cuộc diễn tập quân sự Thái Bình Dương do Mỹ tổ chức. Thực ra, đó chính là một dạng phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trước hành vi thiết lập thành phố Tam Sa thiếu trách nhiệm và đi ngược lại luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Nếu tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc tới nay vẫn chưa hiểu được nổi những ngôn ngữ chung của cộng đồng quốc tế, thì chỉ có thể đẩy người dân Trung Quốc vào một cuộc chiến tranh vạn kiếp không sao thoát nổi.

Việc thiết lập thành phố Tam Sa thuộc về một dạng “trò cười quốc tế” điển hình, Chính phủ Trung Quốc phải sớm hiểu được sai lầm to lớn của mình và sớm có hành động sửa chữa những sai lầm đó. Bản thân tôi kêu gọi mạnh mẽ: Lập tức hủy bỏ ngay thành phố Tam Sa, nhanh chóng có hành động triển khai các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các quốc gia quanh Biển Đông, làm dịu đi cục diện căng thẳng, hủy bỏ sự đe dọa chiến tranh”. 

Theo Chu Phương, “Trung Quốc đã qua rồi cái thời hành động tùy tiện trong “cách mạng văn hóa”, Trung Quốc cần nhận thức được việc mình là một thành viên trong gia đình lớn - cộng đồng quốc tế, cần phải tuân thủ các quy tắc chung. Khi xử lý những vấn đề quốc tế, nhất là những vấn đề phức tạp, có tồn tại tranh cãi gay gắt trong quan hệ giữa nước này với nước khác, tuyệt đối không được dựa hoàn toàn vào quan điểm giá trị, quan điểm lịch sử cũng như lập trường của mình mà hành động đơn phương, như vậy không những không có lợi cho việc giải quyết tranh cãi quốc tế, trái lại còn làm phức tạp thêm tình hình, khiến căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước xung quanh gia tăng, đồng thời làm tổn hại đến hình tượng và vị thế của Trung Quốc, làm tiếng nói của Trung Quốc trên trường quốc tế yếu đi.

Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” là một bước đi sai lầm và kém khôn ngoan nhất của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế cười giễu sự thiếu hụt tri thức của những nhà quyết sách của Trung Quốc. Sự sai lầm này không chỉ tạo ra tiền lệ đầu tiên trên thế giới, mà còn thành một trò cười của quốc tế, nhất định sẽ làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Trung Quốc. Quá trình thiết lập “thành phố Tam Sa” tỏ rõ sự hấp tấp vội vàng, sự thiếu hụt các luận cứ khoa học, một quyết định ngu xuẩn được đưa ra trong điều kiện thiếu lý trí. Hành động này không chỉ trái với lẽ thường, trái với luật pháp và quán lệ quốc tế, trái với luật pháp Trung Quốc và cũng đi ngược lại nguyên tắc thiết lập thành phố thông thường, đi ngược lại chiến lược và quốc sách phát triển về “phát triển hòa bình”.

Sau khi phân tích những sai lầm của chính quyền Trung Quốc, ông nhấn mạnh: “Người dân Trung Quốc cần hòa bình, không cần chiến tranh; trong việc xử lý các vấn đề trong quan hệ với các nước khác, Trung Quốc cần lý trí, không cần sự điên rồ, nhiệt tình thái quá; Trung Quốc cần phải làm một dân tộc có trách nhiệm. Đối với vấn đề “thành phố Tam Sa”, Chính phủ Trung Quốc cần nhanh chóng nhận ra sai lầm to lớn của mình, không thể cứng nhắc mà lỡ thời cơ. Kinh nghiệm lịch sử đã dạy chúng ta rằng, một Trung Quốc đơn độc là một Trung Quốc không có tiền đồ”. 

 
Quá trình thiết lập “thành phố Tam Sa” tỏ rõ sự hấp tấp vội vàng, sự thiếu hụt các luận cứ khoa học, một quyết định ngu xuẩn được đưa ra trong điều kiện thiếu lý trí.

Thạc sỹ Chu Phương, phóng viên Ban biên tập đối ngoại Tân Hoa xã