Phóng viên “lên bờ, xuống ruộng” khi cuốn theo “làn sóng” chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ là một năm bận rộn hơn với những tin tức về thị trường chứng khoán mà nhiều phóng viên cũng “lên bờ, xuống ruộng” khi trực tiếp tham gia vào thị trường.
Nhà báo Hà Loan

Nhà báo Hà Loan

“Làn sóng” đầu tư chứng khoán chưa từng có

Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường chứng khoán như một con tàu lượn siêu tốc, hết đưa nhà đầu tư lên “đỉnh” rồi lại thả xuống vực sâu. Trong đó, giai đoạn cuối năm 2021, đầu 2022, thị trường bùng nổ với mức kỷ lục trên 1.500 điểm nhiều lần được chinh phục, VN-Index đã tăng tới 36% trong năm 2021. Thanh khoản thị trường thường xuyên ở mức vài nghìn tỷ đô, trong đó, phiên cao nhất thanh khoản 3 sàn đạt tới trên 56.000 tỷ đồng vào trung tuần tháng 11-2021.

Thời điểm đó, đi đâu người ta cũng hào hứng nói về chứng khoán, từ văn phòng, công sở đến quán ăn, hàng nước vỉa hè, đến bữa ăn trong gia đình. Những nhà đầu tư F0, dù kinh nghiệm đầu tư bằng 0 cũng dễ dàng kiếm được tiền trên thị trường. Người ta không cần quan tâm đầu tư vào doanh nghiệp nào, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cái gì, làm ăn ra sao. Thứ duy nhất mà họ cần biết là 3 chữ cái (định danh mã cổ phiếu là 3 chữ cái) được các môi giới “phím”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến sản xuất kinh doanh đình trệ, lãi suất ngân hàng thấp, thị trường bất động sản sốt nóng nhưng số tiền đầu tư lại cần quá lớn…, rõ ràng chẳng có kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn thị trường chứng khoán. Lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân mở mới liên tục thiết lập kỷ lục. Và như một lẽ dĩ nhiên, chúng tôi, những phóng viên mà con chữ của mình gắn liền với thị trường, nhiều người cũng bị cuốn theo “làn sóng” đó.

Thực ra chứng khoán là một lĩnh vực vừa rất kỹ thuật vừa đòi hỏi kinh nghiệm “thực chiến”, vì thế một phóng viên theo dõi lĩnh vực này nhất định phải có kinh nghiệm đầu tư nếu không muốn các tin tức, bài viết của mình bị “hớ”. Do đó, việc tham gia thị trường cũng là điều tất yếu đối với chúng tôi. Có điều, khi thị trường bùng nổ thì mức độ tham gia của cánh phóng viên cũng sâu hơn. Các cuộc họp báo, các buổi cà phê, các nhóm chat trên Internet… đều rôm rả hơn khi chủ đề chứng khoán được đem ra bàn thảo.

Cũng có những phóng viên trở thành “tay to” trên thị trường, cũng có nhiều người “kiếm đậm” khi thị trường tăng phi mã lên đỉnh 1.500 điểm. Những tin tức, bài viết về chứng khoán cũng dày đặc hơn trên mặt báo, sinh động hơn, cập nhật hơn, “lượng view” (lượt xem bài viết) cũng theo đó tăng lên. Tôi cũng như nhiều phóng viên khác, trở nên hưng phấn hơn rất nhiều với lĩnh vực mình theo dõi.

Đến những bản tin “nhuộm sắc đỏ”

Không có con đường nào cứ đi lên thẳng băng mà không xuống dốc, không có cỗ xe nào cứ “phi mã” mà không nghỉ ngơi. Thị trường chứng khoán cũng vậy. Có điều, thị trường đi lên quá nhanh khiến những rủi ro, bất thường tiềm ẩn trong nó ngày càng lớn. Thị trường chứng khoán đã không còn thực hiện đúng chức năng “hàn thử biểu” của nền kinh tế nữa. Các chỉ số chứng khoán, giá cổ phiếu không còn phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Hàng loạt mã cổ phiếu làm ăn thua lỗ, bết bát nhưng bỗng trỗi dậy như “xác sống” nhờ dòng tiền đầu cơ khủng khiếp, khiến giá cổ phiếu lại tăng hàng chục lần.

Cơ quan quản lý nhiều lần cảnh báo, nhưng những nhà đầu tư vẫn như con thiêu thân, không thể cưỡng lại sức hút của những cổ phiếu có thể giúp tài khoản của họ nhân hai, nhân ba trong thời gian ngắn. Những bất ổn như những ung nhọt tích tụ trong cơ thể, chỉ cần một mũi kim là sẵn sàng bung ra, tàn phá cơ thể. Và “bom” chứng khoán được “kích nổ” bằng sự kiện một số lãnh đạo các doanh nghiệp lớn vướng vòng lao lý do những vi phạm liên quan đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn. Từ mốc quanh 1.500 điểm, thị trường chứng kiến những phiên lao dốc không phanh, có phiên VN-Index mất tới gần 80 điểm. Những cổ phiếu đầu cơ đi lên bằng thang máy, giờ đi xuống thì rơi tự do.

Nhà đầu tư trên thị trường với 70% là cá nhân, trong đó một phần lớn là những nhà đầu tư lần đầu tiên tham gia thị trường, đã hoảng loạn, đua nhau bán tháo. Nhiều tài khoản bị “call margin” (lệnh gọi bổ sung ký quỹ), “force cell” (thanh lý bắt buộc) càng khiến áp lực bán gia tăng trên thị trường. VN-Index đã lao nhanh xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm, những bản tin, bài viết chứng khoán trên mặt báo “nhuộm sắc đỏ”. Trên các diễn đàn mạng, đâu đâu cũng bắt gặp những cảm thán đau xót của nhà đầu tư. Không còn ai thắng nếu vẫn tiếp tục dấn sâu vào thị trường, và tôi đồ rằng cũng rất ít người tỉnh táo rút chân khi thị trường bắt đầu rung lắc để bảo toàn được thành quả trước đó.

Chúng tôi, những phóng viên chứng khoán cũng buồn không kém. Không phải chỉ vì mất tiền, vì phần nhiều chúng tôi là những nhà đầu tư với số tiền không quá lớn, và vì chúng tôi cũng là những người đã có hiểu biết chút ít về thị trường, xác định tâm lý rủi ro trước khi đầu tư. Đa phần chúng tôi vẫn tỏ ra lạc quan tếu trong những phiên thị trường lao dốc bằng những câu đùa trên mạng xã hội. Nhưng tôi biết, sau mỗi bản tin “đỏ lửa” được phát đi, là biết bao nhà đầu tư cháy tài khoản, biết bao người lâm vào cảnh nợ nần, bao gia đình tan nát, thậm chí có những người cùng quẫn chọn cái chết. Những người bước vào thị trường từ đỉnh, học phí của họ phải trả là quá đắt.

Và hơn hết, chúng tôi buồn vì thị trường chứng khoán lẽ ra được gây dựng bằng niềm tin nhưng giờ đang gây mất niềm tin nghiêm trọng. Dòng tiền rút đi nhanh chóng. Những phiên thanh khoản tỷ đô giờ đây trở nên hiếm hoi hơn. Những cụm từ “thanh lọc” hay “làm trong sạch thị trường”… nhiều lần được lãnh đạo lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính, Chính phủ nhắc đến. Nhưng chung quy lại, không thể phủ nhận các cơ quan liên quan đã buông lỏng quản lý, giám sát một thời gian dài, dẫn đến khi sự cố xảy ra đã kinh động toàn thị trường. Đã có những án kỷ luật được đưa ra với các lãnh đạo các thành viên thị trường và cả cơ quan quản lý.

Với nhà đầu tư, chắc chắn họ đã học được bài học về hậu quả của việc đầu tư theo trào lưu, mua chứng khoán chỉ với nhận biết về “3 chữ cái” mà không quan tâm đến sức khỏe doanh nghiệp. Hy vọng trải qua “cú sốc” này, với những bài học mà cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý rút ra được, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn. Nhà đầu tư bước vào thị trường không chỉ kiếm tiền, mà còn phải góp phần gây dựng thị trường chứng khoán lành mạnh, trong sạch hơn, trở thành kênh đầu tư thực sự bền vững chứ không phải là “miếng bánh”, ai cũng muốn nhảy vào “cướp một miếng” cho riêng mình.