Phong thủy thành phố Hồ Chí Minh: Đẹp nhưng chưa chính long mạch?

ANTĐ - Nói đơn giản, thật đơn giản như Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa phong thủy là: “Thuật xem đất để chọn nơi xây thành quách, cất đình chùa hoặc dựng nhà cửa, đặt mồ mả”, phong thủy là một trong những quan niệm cổ truyền của các dân tộc phương Đông, trong đó có Việt Nam. 

Trước khi xây dựng một thành phố, một ngôi nhà, đặt một nơi chôn cất người khuất núi, người ta đều phải xem phong thủy. Xem phong thủy là chọn để làm sao xây dựng được công trình phù hợp cả 4 yếu tố: Một là loan đầu - tức cảnh quan môi trường; Hai là hình lý dương trạch - tức cấu trúc hình thể ngôi nhà; Ba là bát trạch - tức ảnh hưởng của từ trường trái đất; Bốn là huyền không - thời gian xây cất, hoàn thành ngôi gia trong mối liện hệ với môi trường vũ trụ. “Khí” là yếu tố quan trọng hàng đầu, cốt tủy trong nghiên cứu phong thủy, là động lực của sự hình thành và phát triển của vạn vật. Khí là một dạng vật chất huyền bí chảy theo các mạch đất. Có chính khí và có sát khí. Nơi nào tụ chính khí thì nơi đó phát triển, nơi nào tụ sát khí thì nơi đó tăm tối, gặp nhiều tai ương.

 Rất nhiều nhà nghiên cứu phong thủy đã xem xét vị trí của TP Hồ Chí Minh để lý giải những diễn biến lịch sử của thành phố trung tâm của phía nam đất nước, nơi đã từng được ca ngợi là “Hòn ngọc Viễn đông” này. Cũng bằng quan niệm cổ truyền, chúng tôi xin có mấy lời lạm bàn về vấn đề này.

Cầu Nguyễn Văn Cừ mới xây nối liền Chợ Lớn sang Thủ Thiêm

Vùng đất có vị trí phong thủy đẹp

Câu chuyện trà dư tửu hậu với một ông già người Hoa bên hông chợ Bình Tây cho tôi thêm một chi tiết về Chợ Lớn, một thành phần quan trọng tạo nên TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ông kể một câu chuyện xưa. Ngày ấy, một nhóm người Hoa đến cư ngụ, buôn bán tại một khu đất cao bên bờ sông. Công việc buôn bán thuận lợi, mấy ông đứng đầu liền mời hẳn một ông thầy địa lý từ bên Trung Quốc sang xem phong thủy. Mất cả tháng trời, đi khắp cả vùng, ông mời tất cả các vị bô lão đến và phán: Đất cũng gọi là đẹp, làm ăn phát tài nhưng không yên. Các cụ hỏi lại, đâu mới là đất tốt hơn. Ông thầy quơ tay một vòng: Đêm, ta nhìn sang bên kia sông, khí sáng một vùng. Đấy mới là chân long, nhưng các người không có số đâu. Thôi đừng cố. Ông già người Hoa thở dài: Ngẫm chuyện xưa mấy trăm nay mà cũng có nhiều cái đúng. 

Lại nhớ đến những ngày các kiến trúc sư người Pháp lập quy hoạch xây dựng cảng và TP Sài Gòn. Lúc đó có nhiều ý kiến lập thành phố xuôi về phía nam, nhưng nhìn sang bên kia sông nước ngập mênh mông, sú vẹt lẫn với tràm và dừa nước ken chặt, mấy kiến trúc sư lắc đầu: Làm bên này. Và Sài Gòn chính là phần trung tâm của TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Các ý kiến đều đúng. TP Hồ Chí Minh: là thành phố nằm ngay bên phải bờ sông Sài Gòn, con sông này bắt nguồn từ tỉnh Tây Ninh ở phía Tây Bắc rồi chảy xuống, đi ngang qua khu vực phía Bắc của Sài Gòn rồi uốn lượn qua phía Ðông của thành phố, sau đó nhập với sông Ðồng Nai từ phía Bắc chảy xuống rồi đổ ra biển nơi phía Nam. Sài Gòn nằm giữa một khoảng bình nguyên (đất bằng) rộng lớn, xa xa nơi phía Bắc và Ðông Bắc, tại các tỉnh Quảng Ðức, Lâm Ðồng là phần cuối của dãy Trường Sơn hướng tới. Rồi nơi phía Tây Bắc tại tỉnh Tây Ninh cũng có dãy núi Bà Ðen, nơi phía Ðông Nam là khu núi Vũng Tàu, cả hai đều là dư khí của dãy Trường Sơn còn sót lại. Nằm ở khu vực phía Nam và Tây Nam TP Hồ Chí Minh là các sông Vàm Cỏ, xa hơn nữa là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 2 con sông Tiền Giang và Hậu Giang.

Với địa thế núi, sông bao bọc như trên, ta thấy TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm đặc biệt, xứng đáng là một trong những trung tâm kinh tế và chính trị quan trọng bậc nhất trên đất nước ta. Trước hết là mạch Trường Sơn chấm dứt từ tận Quảng Ðức, Lâm Ðồng, tạo ra cái thế Huyền vũ che chở cho sau lưng Sài Gòn, nhưng lại không tiến đến quá gần để trở thành cái thế đe dọa hoặc lấn áp thành phố này, mà chừa cho TP Hồ Chí Minh một khoảng trống rộng lớn để hấp thu hết vượng khí của toàn bộ miền nam Việt Nam. Rồi đến núi Bà Ðen ở Tây Ninh và vùng núi ở Vũng Tàu tạo thành thế tả, hữu long, hổ để hộ vệ TP Hồ Chí Minh. Nhưng một điểm hay là vì núi Bà Ðen (hữu Bạch hổ) lại cao hơn núi Vũng Tàu (tả Thanh long). Nên khi nằm lệch về phía Vũng Tàu, Sài Gòn đã tạo thành thế long-hổ quân bình, khiến cho nền kinh tế của thành phố bao giờ cũng sung túc. Phía trước mặt của TP Hồ Chí Minh là Long An và vùng đồng bằng sông Cửu Long, một bình nguyên rộng lớn với những con sông hàng hàng, lớp lớp chảy qua, khiến cho vượng khí vô biên, thần lực miên man, bất tận. Ðó là chưa kể thương cảng Sài Gòn còn có mũi Vũng Tàu nằm ở bên ngoài hộ vệ, nên xứng đáng là một trung tâm quyền lực quan trọng về kinh tế và chính trị. Nếu còn được thêm một mũi đất nữa nhô ra ở cửa Ðại (thuộc sông Tiền Giang, trong tỉnh Bến Tre) để tạo thành đầy đủ thế tả, hữu hộ vệ nơi cửa biển thì uy lực của TP Hồ Chí Minh sẽ còn tăng lên gấp bội. Ngoài ra, con sông Sài Gòn khi đến gần thành phố lại uốn lượn thành nhiều khúc, rồi sau khi đi qua còn quay đầu nhìn lại tới 2 lần (2 khúc sông uốn cong trở lại) rồi mới đổ ra biển.

Ðây chẳng những là một cảnh sông nước hữu tình, mà còn tạo cho TP Hồ Chí Minh một sự phồn thịnh, sung túc đến nỗi không một thành phố nào trên toàn cõi Việt Nam cũng như khắp vùng Ðông Nam Á có thể so sánh được. Cần nói thêm là dáng khúc của sông Sài Gòn khi đến gần thành phố đã uốn khúc rất nhiều lần, khi chảy đi lại quay đầu thêm hai lần nữa (hai lần khúc sông uốn cong trở lại), tạo ra hình dáng cát nhất trong thủy pháp. Sách xưa viết: “Làm quan thanh quý, thường là vì dòng nước vây quanh Thanh Long; được phúc dài lâu, nhất định là dòng nước quẩn Huyền Vũ”. Nếp sông uốn khúc đem lại cho Sài Gòn sự phồn thịnh, hưng túc hiếm có.

Nhưng chưa phải là chân long

Nhưng tại sao cho đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phải là thành phố đứng đầu Đông Nam Á? Các nhà phong thủy cũng đã giải thích lý do. Mặc dù TP Hồ Chí Minh nằm trong vùng phong thủy đẹp, nhưng trung tâm thành phố không phải nằm đúng vị trí đắc địa cho nên đã hạn chế phần nào những hỗ trợ phát triển. Thay vì phải nằm ở trong khu vực giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn để chiếm lấy vị trí của “chân long” (chính long mạch), Sài Gòn lại nằm ở phần đất bên ngoài tức chỉ là “hộ sa” (đất hộ vệ) của chân long. Ðối với phong thủy, chân long mới là nơi kết tụ được nguyên khí của trời, đất để chiếm lấy thế lực lớn lao hay đứng đầu về chính trị và kinh tế của cả khu vực đồng thời mới thu hút được những anh hùng kiệt xuất, những lãnh tụ vĩ đại. Còn hộ sa chỉ là phần đất chư hầu, nguyên khí đã bị tản mát, khó trở thành một trung tâm kinh tế hoặc chính trị hùng mạnh. Muốn được hưởng trọn vẹn lợi thế cát cát do dòng sông lượn hai vòng trung tâm thành phố cần phải nằm tại những khu vực được dòng sông ôm lấy như khu Thủ Thiêm. Vị trí hiện tại tạo ra tình thế không yên, phong thủy gọi là thủy bạc tình. Chính vì vậy, chủ trương phát triển trung tâm sang phía  Thủ Thiêm là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Vị trí Thủ Thiêm là chính long mạch

Vùng đất Thủ Thiêm được các nhà phong thủy gọi là chân long, nơi hội tụ sinh khí dồi dào nhất của cả vùng Đông Nam Bộ. Trước khi giao nhau với sông Đồng Nai để đổ ra biển, sông Sài Gòn đã uốn lượn rất đẹp và ôm lấy đất vùng Thủ Thiêm, dáng sông thế này gọi là đại cát, rất tốt đẹp cho cơ nghiệp và vinh hiển cho công danh. Sau khi uốn khúc ở Thủ Thiêm, sông Sài Gòn đổ ra giao với sông Đồng Nai, tạo ra vượng khí cho vùng đất trù phú này. Thủ Thiêm được sinh ra để ưu ái lĩnh nhận trọn vẹn tất cả sinh khí hưng vương của dòng chảy ấy.

Thế đất Thủ Thiêm là thế đất đẹp hiếm có theo phong thủy. Vùng Thủ Thiêm rất đắc địa để cư dân có thể lạc nghiệp an cư bởi thế đất lớn sẽ đem lại phúc lộc dồi dào, cơ nghiệp thịnh đạt, và sinh khí cát lợi do dòng sông mang đến hứa hẹn nhiều thành đạt trong công danh và cử nghiệp cho con cháu. Tóm lại, gia thế hưng thịnh, lộc tồn bền lâu, an lành phước thọ… có lẽ là lời chúc phúc trọn vẹn mà phong thủy dành tặng cho con người nơi đây. 

Đặc thù của Khu đô thị Thủ Thiêm đó là Trung tâm Thương mại -Tài chính nằm ven sông, hài hòa với thiên nhiên. 

Đô thị 7,6 triệu m2 sàn; số dân sinh sống 160.000, lượng lao động trong đô thị này cũng được tăng từ 350.000 lên thành 450.000, còn khách vãng lai là một triệu lượt người.

Điểm nhấn kiến trúc độc đáo nhất của Thủ Thiêm đó là Tháp đa năng cao 86 tầng. Dự án này cũng đã được chấp thuận chủ trương giao cho liên doanh Kiến Phước và Capital Land, hiện đang làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư.
 Ngoài ra còn các dự án như quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, các công trình công cộng . Một dự án không kém phần quan trọng đó là Trung tâm tài chính quốc tế và giao dịch thương mại. Đây được đánh giá là dự án có ý nghĩa rất quan trọng , là chìa khóa mở ra khả năng và triển vọng mới cho TP trong quá trình hội nhập.