Độc đáo đám cưới người Dao

ANTĐ - Ngày hội theo cách nghĩ của bà con dân tộc Dao đỏ ở xã Xuân Tầm (Văn Yên - Yên Bái) không chỉ là những ngày lễ, tết đơn thuần mà mỗi khi trai gái trong làng làm đám cưới, lập gia đình thì đó cũng là ngày hội.

Mỗi đám cưới ở bản Dao là một ngày hội

Trang phục cưới giá… khủng

Qua mấy ngày mưa dầm khiến con đường đi vào bản Khe Lép như bị đào xới rất trơn trượt. Nhưng điều đó không ngăn cản những người dân trong và ngoài bản nô nức đi dự đám cưới. Từ dưới chân núi, phía nhà gái đưa cô dâu Bàn Thị Lưu đi qua con suối nhỏ vắt ngang đường, đám thanh niên trong bản ùa ra xem, đám trẻ con cũng bám theo các bà các mẹ ra đầu con suối ngắm cô dâu trầm trồ khen ngợi.

Riêng đám con trai thì xoắn xuýt bàn tán về bộ trang phục cô dâu mặc ít nhất cũng phải tầm 40 triệu đồng, có khi còn hơn. Nghe vậy tôi hỏi, sao có mỗi bộ trang phục mà đắt thế? Một người dân trả lời: “Đắt là ở cái bộ bạc mà nó đang đeo ấy. Phong tục của dân tộc Dao chúng tao hễ đám cưới là phải có một bộ bạc, không có thì không phải là cưới”.

Tôi chen chân cùng đám thanh niên bản xem cô dâu. Đúng như lời bà con nói, cô dâu đeo tới năm chiếc vòng cổ lớn bằng bạc óng ánh. Ngoài ra còn có trên chục chuỗi bạc khác kết lại thành vòng, trên những chuỗi bạc này được gắn rất nhiều đồng bạc từ thời Pháp thuộc, những hình trang trí như hình cá chép, dao, kiếm... tất cả đều được làm bằng bạc. Trên riềm mũ truyền thống của cô dâu cũng hoàn toàn được trang trí bằng những đồng bạc, tay cô dâu cũng đeo một đôi vòng bạc cổ.

Ông Triệu Văn Sinh, người dân bản Khe Lép cho hay, cách đây khoảng 20 năm, người dân muốn có một bộ vòng bạc phải đi đón thợ dưới xuôi lên, dân bản phải chuẩn bị một cái nồi nấu bạc, một lò đun bằng đất và rất nhiều củi. Mỗi ngày thợ dưới xuôi sẽ làm được một cái vòng, họ có đồ nghề tốt hơn nên thường chạm được những vòng bạc có hoa văn rất đẹp. Một bộ vòng bạc nếu người dân tự làm mất một tháng thì thợ bạc dưới xuôi chỉ làm bằng nửa thời gian đó. Một số nhà dân cũng có thể làm được đồ trang sức từ bạc bằng phương pháp thủ công, nhưng chất lượng không tốt, vòng bạc không đẹp như của người dưới xuôi.

Tôi đem chuyện đồ trang sức bằng bạc của cô dâu hỏi anh Trần Anh Vũ, thợ làm bạc cho bà con dân tộc duy nhất còn sót lại ở Văn Yên nói rằng: Thời điểm hiện tại, một bộ vòng bạc nếu làm theo đúng ý của bà con không phải là 40 triệu đồng mà phải 60 - 70 triệu đồng mới làm được. Giá 1 lạng bạc có hàm lượng 60% bạc nguyên chất là 1,4 triệu đồng, nếu hàm lượng bạc nguyên chất đạt 90% giá là 2 triệu. Một bộ vòng bạc trang sức của cô dâu nặng khoảng 2,5 kg, nếu chạm trổ những vật trang sức tinh xảo phải tốn cả tháng, có những vật dụng làm được bằng máy móc như dao, kiếm... nhưng một số cái buộc phải làm thủ công. Nếu tính cả tiền công và tiền bạc thì một bộ trang sức của cô dâu phải tốn 70 triệu đồng.

Một người dân bản Khe Lép giải thích: “Trên trang phục đám cưới của cô dâu nhất thiết phải có bạc và các mầu như: Mầu đỏ là sự rực rỡ của ánh bình minh, thể hiện con người luôn hướng về phía mặt trời. Mầu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống. Còn mầu trắng là mầu thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. Khi đeo trọn bộ trang phục này, mầu trắng của bạc trở nên óng ánh, lộng lẫy nhất. Trên những chiếc vòng bằng bạc có một số hoa văn lạ hình quả trám, chiếc kiếm, con cá, mái chèo... Khi hỏi về những hoa văn này người cao tuổi nhất làng cũng không thể giải thích nổi, chỉ biết từ thuở cha ông sinh ra đã thấy như vậy. Các cụ nói đời sau phải theo đó mà giữ lấy truyền thống của dân tộc mình, vì thế con cháu cứ nghe lời các cụ truyền lại mà làm.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người đã bán vòng bạc để lấy tiền chi dùng, chính vì vậy mà số hộ còn giữ được vòng bạc cổ theo truyền thống xa xưa của cha ông còn rất ít. Nhiều người lo ngại rằng, cứ đà bán bạc thế này thì ít năm nữa trong mỗi trang phục đám cưới của người Dao đỏ sẽ vắng đi hình bóng của những chiếc vòng bạc.

Bộ trang sức của cô dâu Bàn Thị Lưu hiện có giá từ 60 - 70 triệu

Xẻ thịt 1 trâu mộng và 5 con lợn 

Trong chếnh choáng hơi men, chú rể Triệu Tòn Dạng tâm sự: Để tổ chức đám cưới này anh cùng thanh niên bản phải thức suốt đêm để xẻ thịt một con trâu mộng, 5 con lợn béo, mỗi con nặng 90kg để mời dân bản. Dạng bảo: “Nhà mình phải thịt trâu, lợn trong một ngày thôi, ngày hôm sau vào đám cưới thì chỉ đem thịt ra nấu. Phong tục ở đây là vậy, khi ăn hết món này mới đem ra món khác, khách khứa ăn uống no nê thì thôi, nếu không dân làng sẽ chê cười nhà mình. Đám cưới của em thế này là đã được “rút gọn” rất nhiều, vì chỉ tổ chức trong một ngày thôi, còn những đám khác phải tổ chức tới hai đến ba ngày”.

Để có đủ lợn, trâu thịt trong ngày cưới, gia đình đã phải chuẩn bị từ trước. Ông Triệu Văn Sinh, một người dân xã Xuân Tầm cho biết: Hễ nhà nào có con cái lớn trong nhà đều phải chuẩn bị, trong nhà phải có vài con trâu, vài con lợn dự trữ. Lúc cưới, nếu còn thiếu trâu, thiếu lợn thì hàng xóm giúp đỡ, khi nào có thì trả. Nếu vẫn thiếu nữa thì mới phải mua.

Lúc cưới, có 3 thầy cúng cùng hành lễ, phải để nguyên một con lợn béo cho một thầy cúng tổ tiên, một đùi cho thầy cúng thổ công, một đùi cho thầy cúng ma. Đó là nghi lễ bắt buộc để tác thành cho cô dâu chú rể. Lúc vãn hội, thầy cúng về thì phải biếu phần mỗi người một đùi lợn. Khi anh em họ hàng nhà gái đưa dâu về thì cũng phải biếu mỗi nhà một đến hai cân thịt lợn, nếu không họ nhà gái sẽ coi thường.