Bí ẩn Cánh đồng Chum

(ANTĐ) - Trải dài mấy trăm mét, men theo triền đồi, gần 400 cái chum đá cổ to, nhỏ đủ cỡ nằm rải rác. Tới nay, không ai rõ chúng được làm ra như thế nào, nằm ở đó từ bao giờ và được dùng vào việc gì. Chính những bí mật chưa bao giờ được hé mở khiến Cánh đồng Chum trên cao nguyên Xiêng Khoảng được ghi nhận như một trong những di sản văn hóa nổi tiếng nhất của Lào.

Bí ẩn Cánh đồng Chum

(ANTĐ) - Trải dài mấy trăm mét, men theo triền đồi, gần 400 cái chum đá cổ to, nhỏ đủ cỡ nằm rải rác. Tới nay, không ai rõ chúng được làm ra như thế nào, nằm ở đó từ bao giờ và được dùng vào việc gì. Chính những bí mật chưa bao giờ được hé mở khiến Cánh đồng Chum trên cao nguyên Xiêng Khoảng được ghi nhận như một trong những di sản văn hóa nổi tiếng nhất của Lào.

Huyền thoại vẹn nguyên

Thanh thiếu niên người Lào tới dạo chơi ở Cánh đồng Chum Bản Ang
Thanh thiếu niên người Lào tới dạo chơi ở Cánh đồng Chum Bản Ang

Với địa thế núi non trùng điệp, khí hậu ở Phonesavanh, thủ phủ của Xiêng Khoảng mát mẻ quanh năm. Điểm hấp dẫn nhất ở đây là địa danh nổi tiếng thế giới Cánh đồng Chum với 3 địa điểm đến chính là Bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua. Dân địa phương cho biết, có tới hàng nghìn cái chum đá cổ trên địa bàn Xiêng Khoảng song Bản Ang được chú ý nhất bởi có số lượng chum lớn nhất. 334 chiếc chum đá lớn nhỏ đã được tìm thấy ở đây.

Cái lớn nhất có đường kính 2,5m và cao tới 2,57m, nặng đến hàng tấn. Cái nhỏ nhất chỉ cỡ một người ôm. Đa phần những chiếc chum không có nắp với đủ dạng vuông tròn, không cái nào giống cái nào. Chúng nằm lẫn lộn không theo quy luật sắp xếp nào. Cái trồi hẳn trên mặt đất, cái chìm một phần thân dưới đất. Rải rác có những chiếc chum đã vỡ, thủng đáy, thủng sườn hoặc sứt mẻ gợi lại dấu ấn không thể xóa nhòa của thời gian. Hình dạng của chúng cũng không nhất định.

Cái thắt núm, cái miệng thẳng, cái vuông vức, cái lại như quả dưa... Chạm tay vào những khối đá sần sùi, lên “mốc” xanh thời gian đang nằm yên lặng trên nền đất, người ta có thể cảm giác được những bí ẩn lịch sử to lớn mà nó chứa đựng. Rất nhiều năm trước, người bản xứ còn chưa rõ giá trị của những chiếc chum cổ. Nhiều người vận chuyển chum về nhà để đựng đồ đạc hay đơn giản để... trồng hoa. Chỉ sau khi cơ quan hữu quan kêu gọi, người ta mới biết giá trị văn hóa lớn lao của những chiếc chum và đã đem trả lại đúng vào vị trí cũ...

Nhiều giả thuyết

Người địa phương kể rằng những chiếc chum đá là bình ủ rượu mà vị vua cổ đại Khun Cheung đã dùng để khao quân sau khúc khải hoàn. Tuy thế, Soulivan Vincent, người Pháp, chủ khách sạn ở Phonesavanh, người đã sống ở Xiêng Khoảng nhiều năm lại cho rằng, khu vực Cánh đồng Chum trước đây có thể là nơi trung chuyển hàng hóa từ các nơi đổ về. Các chum to nhỏ có thể dùng để chứa thóc gạo, muối hoặc hàng hóa khác. Vincent lập luận: “Xiêng Khoảng nằm đúng ngã ba miền Trung Lào, muốn tới Luông Prabang hay Viêng chăn đều phải dừng chân nghỉ ở đây”.

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học nghiêng về giả thuyết cho rằng Cánh đồng Chum là một nghĩa trang khổng lồ, mỗi một chiếc chum là một chiếc quách dùng để an táng. Nhưng từ đâu và bằng cách nào mà những chiếc chum khổng lồ này lại tồn tại với chỉ ở một nơi duy nhất trên thế giới là Xiêng Khoảng.

Đây vẫn còn là điều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Năm 1930, nhà khoa học Pháp Madeleine Colani đã có mặt tại Cánh đồng Chum và trong công trình nghiên cứu Mégalithes du Haut-Laos, Colani viết: “Tuổi của 334 cái chum này vào khoảng 2.500-3.000 năm. Đây không phải là những chum ủ rượu vì không thấy dấu vết nào có thể chứng minh”.

Đến khi phát hiện những nồi đất đựng sọ và xương người có nắp đậy cẩn thận được chôn xung quanh những chum này, Colani khẳng định: “Chum là vật đựng tất cả những di vật (quần áo, đồ dùng, rìu, nỏ, cung, kiếm) của người Puôn (một trong 3 bộ tộc Lào cổ) sau khi chết đúng theo phong tục của bộ tộc này”. Madeleine Colani còn suy đoán, với nhiều bằng chứng kèm theo, rằng các cánh đồng chum có liên hệ với một con đường bộ hành từ Bắc Ấn Độ.

Một số khác lại tin rằng các chum này có niên đại 1.500 đến 2.000 năm, được những người thuộc nhóm Môn-Khmer làm ra. Phần lớn các hiện vật khai quật có niên đại 500 trước Công Nguyên - 800 sau Công Nguyên. Nhóm này cũng đồng ý rằng, có thể các chum này đã được sử dụng để đựng di cốt hoặc chứa thực phẩm. Các câu chuyện huyền thoại của người Lào cho rằng có những người khổng lồ đã từng định cư ở khu vực này. Chất liệu làm ra các chum này cũng đang còn gây tranh cãi. Một số cho rằng, chúng được làm từ đá vôi, đá ong và đá cẩm thạch trộn lẫn với những nguyên liệu đặc biệt nào đó thời cổ đại, nay đã thất truyền.

Dấu ấn chiến tranh

Hiện Cánh đồng Chum đang được các chuyên gia thuộc Tổ chức UNESCO nghiên cứu, khảo sát lại vị trí, đánh dấu toàn bộ số chum để công nhận là di sản văn hóa thế giới-một di sản bằng đá trên nóc mái nhà Đông Dương. Tuy vậy, theo Ket Thiphachanh - Giám đốc bán hàng và tiếp thị Công ty Du lịch Viengchampa (Lào), quá trình xét duyệt vẫn chưa xong bởi khu vực Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng vẫn bị coi là chưa an toàn đối với hoạt động du lịch.

Hàng trăm nghìn tấn bom được Mỹ ném xuống khu vực này trong chiến tranh tới nay vẫn chưa được rà phá hết. Ngay đầu Bản Ang, du khách luôn được hướng dẫn đi đúng “luồng”, “tuyến” được đánh dấu bởi những cột mốc đá để tránh nguy cơ dẫm phải bom, mìn. Dải theo triền đồi, những hố bom lớn nhỏ vẫn còn đó. Người dân địa phương kể rằng, nhiều chiếc chum cổ đã bị thủng, vỡ nát bởi dính bom Mỹ.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Cánh đồng Chum được đề cập đến một cách đặc thù để chỉ cả vùng đồng bằng Xiêng Khoảng chứ không phải chỉ địa điểm văn hóa này. Người Việt Nam sống ở đây khá nhiều, có gia đình đã qua mấy đời, cũng có người chỉ mới sang lập nghiệp. Ket Thiphachanh nhớ lại, từ thời chiến tranh, bộ đội Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người dân địa phương. Họ không những thân thiết, luôn sẵn lòng giúp đỡ mà còn hỗ trợ bà con sản xuất nên nhiều người dân địa phương nói tiếng Việt khá tốt. Ket cười: “Đừng ngạc nhiên nếu bạn nghe thấy người Lào nói tiếng Việt ở Phonesavanh”.

Cũng suốt những năm tháng bom đạn khốc liệt, hàng chục nghìn bộ đội Việt Nam, bộ đội Lào đã ngã xuống trên mảnh đất này. Không xa khu cánh đồng Chum ở Bản Ang, những người con Việt Nam tới Phonesavanh cần phải tới Đài tưởng niệm liệt sỹ Việt Lào. Trên đỉnh đồi thông lộng gió, đài tưởng niệm uy nghiêm, tĩnh lặng nhắc nhở chúng ta về một thời đại Anh hùng của cha ông.

Chính Trung