Báu vật chốn thâm sơn

ANTĐ - Giữa chốn thâm sơn cùng cốc chỉ có núi đá với sương giăng mà lại có được một báu vật trời cho như ở Bó Đướt thì kể cũng lạ. Xem ra, ông giời còn biết thương đến những người bần hàn.

Bó Đướt là một bản xa xôi của xã Thượng Sơn (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Thượng Sơn, cái tên địa danh đã nói lên tất cả bởi núi cao vực thẳm. Ai đã vượt núi chạm tới nơi này một lần thì đủ biết những dặm đường lắt léo hiểm trở cùng màn sương giăng như bịt mắt khách viễn xứ. Nhưng vui vì sau bao gian khó cũng được tận mắt thấy cây trà, những báu vật trời cho ở Bó Đướt. Những cây trà cổ thụ 200 năm tuổi mốc mác, sừng sững giữa núi đồi hoang lạnh.

Báu vật chốn thâm sơn ảnh 1Trà cổ thụ Bó Đướt quanh năm “tẩm mình” trong sương

Cây trà 200 năm 

Cụ Chư Sấu Páo, 98 tuổi cũng là bậc cao niên nhất Thượng Sơn bảo rằng: “200 năm tuổi là còn nói khiêm tốn đấy. Trước, hồi chúng tao còn nhỏ đã thấy rừng chè cổ thụ cao bằng mái nhà rồi. Những đời trước nữa cũng đã có. Nhưng thuở xưa, không ai coi những cây trà cổ ấy là báu vật. Nó chỉ thông thường là những cây cho lá để uống”.

Thượng Sơn có tất cả 12 bản làng với những Đán Kháo, Đuổi Lương, Lũng Vùi, Khuẩy Sỏm... nhưng duy nhất những cây chè ở Bó Đướt là nổi bật hơn cả. Phải tận mắt thấy, tận tay sờ và trèo lên những cây chè ấy thì mới thấy hết những kỳ lạ của thiên nhiên trời đất. Cả một rừng chè bao la san sát nhau từ chân đến đỉnh đồi. Thân chè to như cây chuối, có những cây cao đến 7m và trên thân đã ngả mốc màu rêu trắng bạc sần sùi như mắt nghiến. Những tay chè cũng chìa ra thành tán, thành hàng như được uốn cong hứng lấy ánh sáng buổi sớm mai và cũng là những cánh tay che chở những đêm sương lạnh.

Chưa có một thống kê chính xác về số lượng cây chè cổ thụ ở Thượng Sơn, nhưng nếu chỉ tính riêng ở Bó Đướt thì số lượng đã đủ để những người trồng chè ngưỡng mộ. Ông Vương Văn Thân, Trưởng bản Bó Đướt, bảo: “Chúng tôi không thể tỉ mỉ đếm từng gốc nhưng riêng ở bản này chè cổ có đến vài trăm cây. Số lượng này được coi là lớn nhất, vượt qua cả một số vùng có chè cổ thụ như Hoàng Su Phì”.

Báu vật chốn thâm sơn ảnh 2Có những cây trà cao tới 7m

Báu vật “nhả” tiền

Như cụ Chư Sấu Páo đã nói, xưa không ai coi chè cổ là báu vật, nhưng bây giờ chè cổ là báu vật duy nhất trời ban cho Bó Đướt. Nhờ chè cổ mà thương hiệu chè Shan tuyết Bó Đướt ra đời. Cũng nhờ chè cổ mà người dân có công ăn việc làm. Và cũng nhờ chè cổ mà du khách đến với Bó Đướt nhiều hơn. Theo vị Trưởng bản của Bó Đướt, không chỉ coi rừng chè cổ này là báu vật mà còn là di sản: “Không phải nước nào cũng may mắn có rừng chè cổ như Bó Đướt. Chúng tôi coi rừng chè là di sản của trời đất. Vì thế mà việc bảo vệ, khai thác hợp lý là rất quan trọng”.

Chè cổ thụ Bó Đướt được thu hoạch 4 vụ một năm. Vụ đầu tiên được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch. Đây được coi là vụ chè ngon nhất trong năm bởi những khoáng chất đã đủ kết tụ trong từng búp chè. Vụ mùa sau, được thu hoạch vào tháng 5 và 6 khi cái nóng đã tới đỉnh điểm.Vụ chè thứ ba vào tháng 8 và vụ cuối là tháng 10, 11 để chuẩn bị cho trà tết. Sau khi hái những lá chè xanh về, người dân chế biến trà trên bếp lò rực lửa rồi đóng gói để bán.

Báu vật chốn thâm sơn ảnh 3Chè được chế biến hoàn toàn thủ công

Hương vị “trà mây”

Ở Bó Đướt, trà cổ ngoài tên gọi Shan tuyết còn được người dân gọi là “trà mây”. Bởi ở độ cao núi đá, quanh năm sương giăng mây phủ nên trà có tên gọi như vậy. Ở mức độ thuần khiết, không khí trong lành nên “trà mây” cũng có những vị tự nhiên đặc biệt có thể cảm nhận nơi đầu lưỡi.

Cụ Chư Sấu Páo còn được coi là một đạo nhân pha trà. Trà cụ Páo pha ra thì ngon lắm, gợi được hương vị đồng nội rõ rệt. Giữa ngôi nhà trình tường cũ rích, cụ khoanh tròn chân trên chiếc sập bệ đá, tay tráng ấm, tay dùng thìa gỗ lấy nhúm chè Shan tuyết. Khi trà đã chín, hương vị bốc lên cùng hơi nóng tỏa ra. Trà thơm nên  dễ dàng bắt gặp mùi nồng nàn. Nó giống như chàng trai bất chợt gặp cô gái đẹp. Nhanh, gọn, chớp nhoáng, hương trà ấy biến mất như áng mây nhanh trôi nhường chỗ cho nền trời xanh. Thế nên, đấy gọi là “trà mây”. Người tinh khứu giác còn dễ thấy sau cái mùi thơm nồng của trà chín tới là mùi ngậy như của ngô non, rất dịu nhẹ, thư thái trong lòng. Sau khi ngẫm cái thú vị ấy trong giây lát, rót lượt nước ra chén tống chuyển qua chén quân, khoan uống mà đưa lên mũi, lúc này mùi ngô non đâu mất, chỉ còn lại mùi chè nồng đượm.

Báu vật chốn thâm sơn ảnh 4Trà cổ là báu vật của Bó Đướt

Theo cụ Páo, chè Bó Đướt nếu pha mà chưa kịp uống, khi để nguội chè dần ngả từ màu xanh sang màu vàng mật. Nhấm ngụm nhỏ theo lối uống “ngưu ẩm” sẽ thấy nước mát như suối, đậm đà cảm giác như uống chè tươi. Giống chè cổ thụ khi pha thì rất được nước, chêm nước đến tuần thứ tư vị mới nhạt dần.

Uống trà Bó Đướt có những khác biệt lạ lùng mà trà nhân phải hết sức dụng công, dụng tâm và dụng ý mới thấy được những huyền ảo bồng bềnh. Trà cổ thụ từ độ tuổi, cách chế biến, cách pha đến mùi hương đồng nội cùng vị tinh khôi ấy có lẽ đủ đánh thức cảm xúc của những trà nhân khó tính nhất.

Báu vật chốn thâm sơn ảnh 5Thượng Sơn là một trong những vùng nhiều trà cổ nhất Hà Giang

“Trà Bó Đướt rất thông suốt, không bị tắc ứ, khó kiểm nghiệm nhưng dễ nhớ mùi. Điều ấy khác hẳn với những dòng chè cổ nhưng khác chủng loại dù xác trà tương đối giống nhau. Người Bó Đướt sao chè bằng chảo tạo cho cánh chè có màu ngả đen, điểm lấm tấm trắng, hơi quăn thẳng chứ không ánh xanh, xoắn chặt”, cụ Chư Sấu Páo.