Phóng sự ảnh: Áo tơi chợ Nủa

ANTĐ - Ngày nay, dù máy móc, kỹ thuật tiến bộ, đồ dùng bảo hộ lao động của người nông dân đã đủ đầy, nhưng  nếu để tránh nóng khi làm việc ngoài đồng, khó có gì thay thế được chiếc áo tơi: dùng tránh nóng mùa hè, tránh mưa, tránh rét mùa đông. 

Đến nay, ngày càng ít người mặc,  người làm áo tơi lại càng hiếm. Chợ Nủa (làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội) là nơi duy nhất còn bày bán áo tơi. Chợ bán những sản vật, nông cụ, hàng thủ công mỹ nghệ… Các phiên mở vào ngày 2, ngày 7 (mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch). Người dân trong vùng hay đọc câu “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì chợ Nủa”, ý nói chợ Nủa đã nổi danh khắp xứ Đoài xưa.

Chị Hậu không bán được bao nhiêu áo tơi do mùa hè năm nay khá mát, mưa nhiều, nhưng chị không bỏ phiên chợ nào vì đi chợ còn là niềm vui gặp gỡ mọi người

Chị Thuận (Xã Chàng Sơn, Thạch Thất) bán nón và áo tơi ở chợ Nủa, gia đình chị đã 4 đời làm áo tơi, hiện nay là hộ duy nhất còn làm áo tơi trong xã. Chị đang quét lớp hồ lên nón để đưa cho khách

Cụ Nguyễn Thị Thêu (75 tuổi, mẹ đẻ chị Thuận) đang khâu áo tơi. Áo khâu từ lá nón, căng 9 dây ngang lên khung rồi vắt từng mảnh lá lên để khâu, cụ phải mất 3 giờ để hoàn thành chiếc áo.

Mỗi chiếc áo thành phẩm giá 40.000 đồng

Chợ bày bán cả chó, mèo, lợn giống, gà, vịt... Sau một hồi trả giá, bác Ân mua được chú chó lai với giá 120.000 đồng

Người đi chợ Nủa không chỉ để mua hàng mà còn để học hỏi kinh nghiệm sản xuất

Chợ bán khá đa dạng các mặt hàng sinh hoạt, từ bó đũa, que tăm

Phần lớn các đồ dùng, mỹ nghệ ở Chợ Nủa đều do chính tay người dân làm ra. Em Phí Thùy Trang (3 tuổi) nghỉ hè phụ giúp bố mẹ đóng xương quạt giấy tại xóm Đình, xã Chàng Sơn, Thạch Thất