Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch

ANTĐ - Suy giãn tĩnh mạch mãn tính là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ độ tuổi trưởng thành. Thông thường nó sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông của các mạch máu, làm máu ứ trệ trong lòng tĩnh mạch và gặp nhiều khó khăn khi tuần hoàn về tim. Chính điều đó làm cho đôi chân sưng lên và hình thành các cục máu đông trong các tĩnh mạch, nguy hiểm hơn là những cục máu đông này có thể theo máu về tim gây tắc động mạch phổi, dẫn đến tử vong.

Các yếu tố nguy cơ

Trên thực tế, không phải ai cũng dễ mắc căn bệnh này, chỉ một số người nằm trong nhóm có nguy cơ cao mới có thể gặp phải.

Di truyền: Khả năng này là cao nhất, bởi vì những người có người thân trong gia đình đã mắc chứng bệnh giãn tĩnh mạch thì dễ mắc bệnh hơn so vơi nhiều người khác.

Giới tính: Thông thường phụ nữ bị nhiều hơn nam giới, điều này có thể giải thích là do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, hoặc trong quá trình mang thai cũng ảnh hưởng lên thành mạch máu, hoặc do công việc đặc thù bắt buộc phải đứng lâu như: nhân viên bán hàng, thợ dệt… Ngoài ra, việc mang giày không phù hợp, dùng thuốc tránh thai nội tiết cũng nằm trong những nguy cơ cao.

Thừa cân, béo phì: Yếu tố nguy cơ này cũng khá phổ biến. Hơn nữa, những người áp dụng chế độ ăn kiêng nhiều chất bột, ít chất xơ hay thường xuyên bị táo bón rất dễ bị giãn tĩnh mạch. 

Phẫu thuật: có thể gây ra các biến chứng huyết khối tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch, đặc biệt là những ca phẫu thuật trong sản khoa, niệu khoa hay thủ thuật bó bột bất động lâu ngày do gãy xương.

Biến chứng của giãn tĩnh mạch

Phổ biến nhất và nặng nề nhất hay gặp của suy giãn tĩnh mạch là việc hình thành các cục máu đông trong thành tĩnh mạch, có thể gây tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Các rối loạn lưu thông của máu trong cơ thể làm cho chân sưng to kèm đau, chuột rút về đêm, nặng hơn người bệnh có thể bị viêm tắc tĩnh mạch. Cuối cùng nó gây giãn toàn bộ hệ tĩnh mạch, diện tích của tĩnh mạch bị giãn lớn hơn gây ứ trệ máu và dinh dưỡng, nhiễm trùng da, viêm loét rất khó điều trị.

Điều trị và phòng ngừa 

Phòng ngừa trào ngược: Khi nằm ngủ nên để chân cao, tránh đứng hay ngồi lâu một chỗ, mang tất (vớ) thay bằng quấn dây thun, tập hít thở sâu và đều, tập luyện cơ bắp với cường độ cao hơn. 

Băng ép chân: Biện pháp này nhằm cân bằng áp suất chênh lệch giữa 2 hệ thống tĩnh mạch nông và sâu thông qua hệ thống tĩnh mạch xuyên, giảm đường kính của thành tĩnh mạch để tăng khả năng lưu thông máu.

Chế độ ăn uống: Để ngăn ngừa sự phát triển của chứng bệnh giãn tĩnh mạch cần có lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học nhằm tăng cường các thành mạch máu và thúc đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Trước tiên, nên bổ sung đầy đủ các thực phẩm có chứa nhiều  vitamin C, E, elastin… thực phẩm mầm ngũ cốc, trứng gà, rau xanh và dầu thực vật. Uống đủ hoặc nhiều hơn 1,5 lít nước mỗi ngày, không uống bia, rượu, hạn chế cà phê và bánh ngọt.