Phòng ngừa rủi ro

ANTĐ - Các hiện tượng thời tiết như nắng, gió, mưa… có thể gây ra những thảm họa tự nhiên ghê gớm như bão, lụt song chúng ta cũng có thể góp phần làm giảm thiểu tối đa những tác hại này hay khai thác, tận dụng để mang lại những ích lợi cho cuộc sống con người.

Những nước nghèo đang phải chịu thêm nhiều thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ngày 6-7 đã hoàn tất việc phát triển Khuôn khổ toàn cầu về các dịch vụ khí hậu (GFCS) sau thời gian khá dài bàn thảo giữa các quốc gia thành viên cũng như các đối tác trong và ngoài hệ thống LHQ. GFCS xác lập các nguyên tắc chỉ đạo lộ trình các dịch vụ, nhằm tăng cường tính chính xác và tương thích của các dịch vụ, giúp cộng đồng quốc tế đối phó hiệu quả hơn với những biến động của tự nhiên như biến đổi khí hậu và thời tiết.

WMO phát triển GFCS trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết toàn cầu trở nên cực đoan và khó lường trước như những trận siêu bão trái mùa, lũ lụt kỷ lục… hay hạn hán chưa từng thấy đã gây ra những tổn thất ngày càng nghiêm trọng về người và tài sản cho thế giới.

Điều đáng nói là các hiện tượng thời tiết cực đoan và bất thường như El Nino và La Nina ngày càng gây ra những thiệt hại nặng nề hơn ở các quốc gia nghèo bởi hệ thống hạ tầng yếu kém cũng như khả năng dự báo thời tiết hạn chế. Bởi thế, các nước đang phát triển vốn đã nghèo lại đứng trước nguy cơ nghèo hơn vì khả năng dự báo và đối phó kém trước các biến đổi bất thường của thời tiết.

Không chỉ có vậy, việc hiểu đúng và sử dụng đúng các thông tin về thời tiết, khí hậu và nước còn góp phần tăng hiệu quả đầu tư cũng như giảm thiểu những rủi ro thiên tai. Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud cho rằng, cần coi khí hậu thời tiết là một loại tài nguyên đặc biệt, có thể khai thác trực tiếp như năng lượng gió, nguồn nước mưa… hoặc gián tiếp thông qua sử dụng số liệu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất cũng như giảm thiểu tối đa thiệt hại của những hiện tượng thời tiết cực đoan bão, lụt và khô hạn.

Trong bối cảnh đó, theo ông Jarraud, GFCS là công cụ quan trọng để thích nghi với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Cơ chế hợp tác rộng rãi này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách hiện còn rất lớn trong việc cung cấp các thông tin thời tiết trên cơ sở khoa học, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương nhất và làm hài hòa với các nhu cầu của cộng đồng rộng rãi những người sử dụng thông tin thời tiết.

GFCS cũng nhằm đẩy nhanh hoạt động hiệu quả của hệ thống quan sát hòa nhập toàn cầu của WMO để nâng cao hiểu biết về hành tinh, tăng cường các dịch vụ khí tượng hàng không để đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi của ngành hàng không và nâng cao năng lực của WMO trong dự báo khí tượng thủy văn toàn cầu. Trước mắt, theo Jarraud, trong 4 ưu tiên ban đầu của GFCS gồm giảm thiểu rủi ro thiên tai, nước, sức khỏe và an ninh lương thực, cơ chế này sẽ ưu tiên số một cho giảm thiểu rủi ro thiên tai bởi có tới 90% thiên tai trong 50 năm qua trên toàn cầu liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước.