Phòng ngừa rủi ro cho bệnh nhân gây mê

ANTD.VN - Trước một số ca tử vong khi gây mê để phẫu thuật thời gian qua, không ít người dân đã tỏ ra lo lắng đồng thời đặt câu hỏi về các biện pháp phòng tránh rủi ro khi gây mê…

Phòng ngừa rủi ro cho bệnh nhân gây mê ảnh 1Bệnh nhân cần khám, điều trị bệnh tại cơ sở y tế có uy tín (Ảnh minh họa)

Có một thực tế đáng buồn là sự cố bị tử vong khi gây mê không phải là sự việc hy hữu. Điều này cho thấy gây mê là khâu quan trọng trong mỗi cuộc phẫu thuật hay can thiệp y khoa và chỉ cần thiếu thận trọng ở một khâu trong quá trình gây mê sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Có thể nói, hầu hết các bệnh nhân tử vong khi gây mê đều có biểu hiện bị sốc phản vệ. Khi vào cơ thể, thuốc mê có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương để làm mất hoàn toàn tạm thời ý thức, phản xạ và mọi cảm giác của toàn thân, trong khi vẫn duy trì được các chức năng sống. Người bệnh được gây mê như ngủ rất say, không thể nhận biết được việc mình đang bị phẫu thuật. Thông thường, mỗi loại thuốc gây mê có có liều lượng sử dụng riêng. 

Bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu (Bệnh viện E) cho biết, hiện có không ít người cho rằng, gây mê là khâu không quan trọng trong mỗi cuộc phẫu thuật nên thường bị xem nhẹ. Trong khi đó, bệnh nhân chỉ cần dị ứng với thuốc gây mê sẽ gây sốc phản vệ và tử vong rất nhanh. Vì vậy, việc sử dụng thuốc gây mê chỉ được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức.

Quá trình gây mê có nhiều giai đoạn và trong mỗi giai đoạn đều có khả năng xảy ra biến chứng. Bên cạnh đó, hầu hết thuốc gây mê đều có tác dụng phụ (gây suy hô hấp, giảm huyết áp, suy gan, suy thận) và nguy cơ gây sốc phản vệ. Do đó, bệnh nhân trước khi được gây mê cần được thăm khám kỹ lưỡng. Đối với những người mắc các bệnh lý đặc biệt như bị tổn thương tủy sống, đái tháo đường, bệnh về thận, tim mạch hoặc huyết áp… các bác sỹ cần thận trọng khi chỉ định gây mê do họ có nguy cơ cao bị phản ứng thuốc. 

Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, bác sỹ chuyên khoa gây mê phải là người được đào tạo cơ bản và giàu kinh nghiệm để có thể tiên lượng và phản ứng kịp thời trước những diễn biến xấu ở từng người bệnh do gây mê. Bên cạnh đó, gây mê phải được tiến hành tại các cơ sở y tế được cấp phép, có đầy đủ trang thiết bị để xử lý các tình huống xảy ra khi tiến hành gây mê. Việc cấp cứu người bệnh khi gặp sự cố cần nhanh chóng, đảm bảo đúng quy trình.

Cũng theo bác sỹ Hiếu, khi việc chẩn đoán và điều trị bằng nội soi ngày càng phát triển thì gây mê cũng trở nên phổ biến. Nhằm tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, người bệnh khi khám, điều trị bệnh cần đến những cơ sở y tế có uy tín, đồng thời tuân thủ triệt để chỉ định của thầy thuốc, không nên xem nhẹ việc gây mê. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần thông báo đầy đủ cho các bác sỹ về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc bị dị ứng để họ có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả…