“Phong độ” kinh tế

ANTĐ - Trên bản đồ kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam có lẽ chỉ là một “dấu chấm” nho nhỏ, khiêm nhường. Mặc dù liên tục trong nhiều năm qua, trừ hai năm gần đây, nền kinh tế nước ta luôn đạt tốc độ tăng cao trên 7% và trở thành một trong những “điểm sáng” trên bản đồ kinh tế châu Á, song độ sáng chưa đều và chưa bền. Trong bối cảnh kinh tế thế giới u ám bởi “đám mây đen” khủng hoảng bao phủ toàn cầu và đang đứng trước nguy cơ suy thoái “kép”, kinh tế nước ta đã xuất hiện một vài “điểm sáng”.

Bức tranh tổng quan kinh tế 8 tháng đầu năm 2011, nổi bật hai “chấm sáng” đáng mừng. Sáng nhất là xuất khẩu. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu vượt cả về tổng kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng; về lương và giá; về mặt hàng và thị trường, đặc biệt là giảm nhập siêu khá ấn tượng. Nhờ đó đã góp phần tăng dự trữ ngoại tệ, giảm sức ép tỷ giá VND/USD và cải thiện cán cân thanh toán. Khi mà đầu tư và sức tiêu thụ trong nước bị “bó” lại, nhất là khi kinh tế tiền tệ trên thế giới và trong nước vận hành không thuận lợi, thì sản xuất công nghiệp thực sự trở thành “đầu tàu” tăng trưởng; là lực kéo nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng 7,3%, trong đó ba ngành công nghiệp cấp 1, ngành công nghiệp chế biến tăng với tốc độ cao nhất và duy trì “phong độ” tăng hai chữ số. Đây là một tín hiệu tích cực cho phát triển kinh tế chung. Sản xuất công nghiệp là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP, thu hút nhiều lao động. Kết quả điều tra 4.264 doanh nghiệp trong ngành này cho thấy, số lao động trong tháng 8 tăng 0,5% so với tháng 7, nhưng lại giảm 7,9%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,9%.

Theo nhận định của các chuyên gia, nguy cơ thất nghiệp sẽ gia tăng, nếu không tạo điều kiện để sản xuất được ưu tiên tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý. Đặc biệt, cần xem xét lại quan điểm nhập khẩu máy móc thiết bị, kỹ thuật và công nghệ có giá rẻ của một số nước, nhất là của Trung Quốc. Họ đang gấp rút đổi mới kỹ thuật, công nghệ và “thải” những thứ lạc hậu, cũ nát sang các nước khác. Nếu các doanh nghiệp nước ta không sớm từ bỏ thói quen “hám rẻ” thì chắc chắn cả trước mắt lẫn lâu dài sẽ “ăn đủ” hậu quả, sức cạnh tranh ngày càng... hụt hơi. Mặc dù kinh tế có hai “điểm sáng” trên, song “phản ứng phụ” của kiềm chế lạm phát rõ ràng đang làm cho sản xuất, kinh doanh khó khăn, có một số lượng không nhỏ doanh nghiệp phải thu hẹp, thậm chí ngừng sản xuất, gia tăng tình trạng thiếu việc hoặc mất việc làm.

Nhập siêu tuy có giảm về kim ngạch tuyệt đối nhưng chưa vững chắc, vì trong 8 tháng qua có ba yếu tố là tái xuất vàng, tăng xuất khẩu dầu thô và giá xuất khẩu tăng cao. Những yếu tố này có khả năng sẽ giảm trong 4 tháng cuối năm, có khi còn khó khăn hơn nữa, bởi phải nhập khẩu vàng trở lại để kéo giá vàng trong nước xuống ít nhất là ngang bằng giá vàng thế giới.

Dưới con mắt của giới chuyên gia, khả năng năm 2011 khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa khó đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng như mục tiêu giải quyết việc làm so với năm trước. “Phong độ” của nền kinh tế được đo bằng tứ giác có 4 đỉnh mục tiêu, trong đó 3 đỉnh (tăng trưởng, lạm phát, việc làm) khả năng sẽ bị kém, chỉ có 1 đỉnh (cán cân thanh toán) là khả

dĩ hơn.