Phong cách tranh cử đối lập giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới. Phong cách tranh cử của ứng viên 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa trong thời gian này cũng bộc lộ nhiều điểm đối lập.
Ông Joe Biden và ông Donald Trump có phong cách tranh cử đối lập nhau

Ông Joe Biden và ông Donald Trump có phong cách tranh cử đối lập nhau

Mỗi người một vẻ

Giữa lúc Covid-19 vẫn đang lây lan tại nhiều bang, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đại diện đảng Dân chủ Joe Biden đã có phong cách vận động tranh cử đối lập nhau. Theo đó, ông Donald Trump vẫn tích cực tổ chức các buổi gặp gỡ trực tiếp ở các bang để kêu gọi cử tri bầu cử.

Trước đó, tới vận động tranh cử ở bang North Carolina, Tổng thống Trump đã không ngại “hòa nhập” với đám đông tại đây khi kêu gọi bỏ phiếu cho mình bất chấp tình hình đại dịch Covid-19. Không những thế, ông còn vô cùng tự hào khi thấy có sự ủng hộ của đám đông. Ông phát biểu: “Như những gì tôi biết, số người ở đây hôm nay với tôi thậm chí còn đông hơn nhiều lần so với 4 năm trước”.

Trái ngược với cảnh tượng này, đại diện đảng Dân chủ Joe Biden lại tổ chức một buổi vận động quy mô nhỏ kèm theo các nguyên tắc giãn cách xã hội tại bang Pennsylvania. Ông Biden chia sẻ: “Tôi rất nhớ việc được bắt tay và giao lưu với những người ủng hộ, nhưng tôi không thể làm điều đó vào thời điểm này”. Đây chỉ là một trong số những ví dụ điển hình cho phong cách tranh cử đối nghịch giữa đại diện đến từ 2 đảng lớn, đặc biệt là trong thời điểm đêm bầu cử chính thức sẽ tới trong chưa đầy 2 tháng nữa. Theo đó, các ứng viên tổng thống đang đưa ra những tầm nhìn khác nhau đối với việc phát triển đất nước.

Cụ thể, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng, ông Joe Biden đã chú trọng vào việc thực hiện các biện pháp phòng dịch triệt để. Ngược lại, ông Donald Trump thì tập trung phản đối những lệnh hạn chế mà theo ông là không cần thiết và mang tính chất chính trị.

Đồng minh của ông Trump cho rằng, những cuộc biểu tình ủng hộ ông chính là ủng hộ quyết định mở cửa trở lại đất nước, vốn được Tổng thống Mỹ nhắc đến là một cách thức giúp khôi phục nền kinh tế. Bên cạnh đó, ông còn khẳng định sẽ mở cửa trở lại các bang sau khi đắc cử bất chấp đại dịch Covid-19. Điều này đã khiến Tổng thống Mỹ không chỉ chống lại đối thủ Joe Biden mà thậm chí đi ngược những lời khuyên của các chuyên gia y tế. Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ đã lên tiếng chỉ trích và bày tỏ sự thất vọng đối với ông chủ Nhà Trắng.

Trước những chỉ trích trên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã phản bác: “Chúng tôi nghĩ nếu người dân muốn đến và bày tỏ quan điểm chính trị, chúng ta nên để họ làm vậy”. Theo đó, bà McEnany cho rằng ông D.Trump không cần phải hạn chế các cuộc vận động tranh cử bởi đó không phải điều những người ủng hộ ông mong muốn.

Đám đông có phải là lợi thế?

Một điểm mà Tổng thống Mỹ thường hay đem ra để so sánh với đối thủ đó là quy mô đám đông. Ông từng phát biểu: “Tôi nghĩ 200 người tới buổi vận động tranh cử của ông Biden là khá nhiều. Các bạn đã từng thấy phòng tập thể hình với các vòng tròn chưa? Đó chính là đám đông ủng hộ ông Biden nếu số người tham dự lên tới con số 200”.

Trên thực tế, con số này của ông Biden nhỏ hơn 200 rất nhiều. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cựu Phó Tổng thống Mỹ đã hạn chế ra ngoài và tuân thủ các quy tắc phòng dịch được đưa ra. Bởi vậy, các buổi vận động tranh cử của ông cũng được thực hiện theo quy mô nhỏ với ít người tham dự. Điều này phần nào đã phản ánh sự lưỡng lự trong những người ủng hộ ông Biden so với những người ủng hộ ông Trump. Việc thu hẹp quy mô đám đông ủng hộ cũng đem lại cho ông Joe Biden nhiều lợi thế. Đầu tiên, ông nhận được sự ủng hộ của những cử tri quan tâm tới dịch bệnh khi nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng dịch an toàn.

Bên cạnh đó, việc vận động tranh cử quy mô nhỏ cho phép ông có nhiều thời gian gặp gỡ và giao lưu trực tiếp với đại diện đến từ các khu vực quan trọng. Điều này sẽ tác động tương đối lớn tới lượt ủng hộ của ông Biden trong cuộc bầu cử chung cuộc. Ngoài ra, ông Biden còn có thể tránh được sự can thiệp của những người phê bình, chỉ trích có mặt tại buổi vận động của ông để tranh cãi, một điều ông thường gặp phải trước thời kỳ dịch bệnh. Một trong những chính sách tranh cử của ông Biden là nhằm vào vấn đề xử lý đại dịch của đối thủ. Theo đó, ông và đảng Dân chủ đã chỉ trích cách phòng dịch của ông Trump, cho rằng ông chịu trách nhiệm cho sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19.

Hai ứng viên tổng thống đã đưa ra những phương án riêng để đối phó với đại dịch hiện nay. Nếu ông Joe Biden kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch bao gồm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ra đường thì ông Donald Trump lại tập trung vào chạy đua vaccine. Theo đó, Tổng thống Mỹ đã chi nhiều tiền cho các công tác nghiên cứu và điều chế vaccine Covid-19 của các công ty dược phẩm. Ông Trump còn lạc quan cho biết, một loại vaccine ngừa Covid-19 sẽ được ban hành vào cuối năm 2020, có thể trước cả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.