"Phong bì bệnh viện", căn bệnh nan y?

ANTĐ - Suốt tuần qua, đoạn video ghi hình ảnh nữ nhân viên y tế Bệnh viện K cơ sở 3 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) nhận một xấp phong bì của người nhà bệnh nhân được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Một lần nữa, câu chuyện về “phong bì bệnh viện” lại được nhắc đến, bàn luận như một căn bệnh nan y khó chữa của ngành y.

Hình ảnh nhân viên y tế Bệnh viện K nhận xấp phong bì của người nhà bệnh nhân

“Luật bất thành văn” tại bệnh viện

Năm 2011, Bộ Y tế đã phát động phong trào đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức đối với bệnh nhân, trong đó có nội dung yêu cầu nhân viên y tế “Nói không với phong bì”. Đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng rất nhiều lần lên tiếng, yêu cầu y, bác sĩ và kêu gọi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dứt khoát không đưa phong bì, thậm chí còn đưa ra thông điệp mạnh mẽ đến nhân dân: “Nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận phong bì thì chụp ảnh và gửi lại cho chúng tôi”.

Thực tế là mấy năm gần đây, qua đường dây nóng, Bộ Y tế đã mạnh tay xử lý không ít cán bộ y tế vi phạm y đức, chấn chỉnh nạn phong bì trong bệnh viện. Nhiều bệnh viện cũng đã chủ động lắp camera theo dõi tại các khoa Khám bệnh, hành lang để phát hiện hành vi vi phạm. Dù vậy, tình trạng đưa phong bì ở bệnh viện vẫn diễn ra khá phổ biến.

Vụ việc mà chúng tôi đề cập đến ở trên có thể xem là một ví dụ điển hình. Ngày 2-6, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip ghi lại cảnh một nữ cán bộ y tế của Bệnh viện K cơ sở 3 nhận cả xấp phong bì dày từ người nhà bệnh nhân ngay trong phòng làm việc, nói “sẽ chuyển hộ”, đồng thời còn hướng dẫn người nhà bệnh nhân đưa phong bì đến các thành viên khác trong kíp mổ cho người bệnh…

Nữ cán bộ y tế trong video clip sau đó được xác định là bác sĩ T., công tác tại khoa Ngoại vú của bệnh viện. Hiện Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện K đã ra quyết định áp dụng mức kỷ luật cảnh cáo đối với bác sĩ này. Trước đó chỉ 2 tháng (tháng 4-2016), cũng tại Bệnh viện K nhưng ở cơ sở 1 xảy ra vụ việc tương tự khi bác sĩ Đ.T. L., khoa Chẩn đoán hình ảnh bị “tố” đã nhận số tiền 3,2 triệu đồng trái quy định của một bệnh nhân. Bác sĩ này đã bị bệnh viện kỷ luật, điều chuyển sang công việc không tiếp xúc trực tiếp người bệnh, cắt thưởng, lương tăng thêm trong 3 tháng liên tục… 

Tình trạng phong bì “lót tay” cho các bác sĩ tại bệnh viện gần như đã trở thành  một thứ “luật bất thành văn” mà dù không nói ra thì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ai cũng hiểu. Chỉ cần đến các bệnh viện, hỏi bất cứ người nhà có bệnh nhân phải vào viện mổ hay sinh đẻ, đều có thể dễ dàng nhận được câu trả lời chung là phải “phong bì” cho kíp mổ thì mới yên tâm được.

Bộ trưởng Bộ Y tế (thứ ba từ phải sang) trực tiếp nghe người bệnh phản ánh trong chuyến thị sát tại Bệnh viện K tháng 4-2016

Hạn chế nhưng khó loại trừ?

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thẳng thắn cho rằng, có thể hạn chế tối đa tình trạng “phong bì bệnh viện” song không lãnh đạo nào dám khẳng định bệnh viện mình không có “phong bì” hay bao giờ thì câu chuyện này sẽ đến hồi kết thúc. Dù vậy, nếu chúng ta triệt tiêu được các nguyên nhân nảy sinh tình trạng “phong bì bệnh viện” và quyết tâm triển khai đồng loạt các giải pháp đã đề ra thì dần dần tình trạng đưa, biếu phong bì cho y, bác sĩ cũng sẽ tự triệt tiêu.

Chỉ cần nhìn sang các bệnh viện tư hay thậm chí ngay tại khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, khám chữa bệnh chất lượng cao trong bệnh viện sẽ thấy, câu chuyện đưa - nhận phong bì giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với y, bác sĩ gần như không bao giờ được nhắc đến.

“Từ thời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đưa ra một cách phân tích mà tôi cho là rất đúng, rằng nguyên nhân của nạn phong bì trong bệnh viện là do chênh lệch giá viện phí giữa bệnh viện công với bệnh viện tư. Những năm gần đây, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng, các bệnh viện trên cả nước nói chung đã thực hiện quyết liệt chủ trương của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thủ tục hành chính khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giảm quá tải bệnh viện, loại bỏ tư duy phân biệt giữa người bệnh khám bảo hiểm y tế với người khám dịch vụ… để hướng đến đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Cùng đó, khi viện phí từng bước được điều chỉnh tăng lên, đến năm 2020 sẽ tính đúng tính đủ, cộng thêm chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế và độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân nâng lên, chắc chắn vấn đề phong bì bệnh viện sẽ giảm”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu quan điểm.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, muốn giảm tình trạng “phong bì bệnh viện” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó ngoài nâng cao thu nhập, đời sống cho y, bác sĩ thì phải giáo dục y đức, siết chặt quản lý, tăng cường giám sát. Thực tế ở những bệnh viện mà lãnh đạo bệnh viện quán triệt nghiêm túc tới toàn thể cán bộ nhân viên, quản lý tốt, giám sát chặt và khi phát hiện trường hợp nào sai phạm kiên quyết xử lý thật nghiêm thì chắc chắn tình trạng đưa - nhận phong bì giữa bệnh nhân với y bác sĩ trong bệnh viện đó sẽ được hạn chế tối đa. 

Chia sẻ và khách quan hơn với ngành Y

Ở một góc nhìn khác, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, việc lên án những vụ việc nhân viên y tế nhận phong bì của người bệnh như trường hợp cụ thể diễn ra mới đây tại Bệnh viện K là đáng hoan nghênh, là cần thiết để góp phần giáo dục cán bộ ngành Y. Tuy nhiên, cần phải xem xét các vụ việc một cách khách quan, đúng mực.

“Chúng ta đều thấy ngành Y đã rất quyết liệt trong việc xử lý các tiêu cực trong thời gian qua. Hiện vào bệnh viện có thể thấy thái độ của y, bác sĩ, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh đã tốt hơn, dù những hạn chế, tiêu cực vẫn còn. Hơn nữa, không phải chỉ ngành Y mới có nạn “phong bì” mà đây là vấn nạn của cả xã hội, nên đừng gắn ngành Y với “phong bì” như một nét đặc trưng”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nói. 

Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, khi xem xét vụ việc y, bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, cần phải thấy động cơ của việc đưa và nhận phong bì đó. “Anh là thầy thuốc nhưng lại gây khó dễ cho bệnh nhân, đáng nhẽ có thể khám được ngay, xếp lịch mổ luôn nhưng cứ bảo bệnh nhân chờ thêm, đợi bệnh nhân đút lót phong bì mới khám, mới mổ… thì đó là hành vi sai phạm. Và đương nhiên sai phạm này cần phải xử lý nghiêm”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.