Phối hợp nhuần nhuyễn chống dịch, không gây khó người dân, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở các tỉnh và thành phố ở phía Nam đã có những hiện tượng muốn “co cụm”, “phòng thủ”, “ngăn sông cấm chợ” cốt sao chỉ để bảo vệ lợi ích của riêng địa phương. Thế nhưng, điều này có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhân sự và không đảm bảo thực hiện hiện “mục tiêu kép” chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế-xã hội.
Việc áp dụng biện pháp vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế được thực hiện tốt ở các địa phương

Việc áp dụng biện pháp vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế được thực hiện tốt ở các địa phương

Nguy cơ lây nhiễm giữa các địa phương

Trong khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tại các địa phương phía Bắc thì dịch bệnh tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với điểm nóng nhất cũng là trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu đất nước là TP.HCM. Cùng với đó, dịch cũng diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Nam Trung bộ lân cận với TP.HCM.

Tại TP.HCM, bên cạnh các chùm ca bệnh liên quan tới các ổ dịch có yếu tố dịch tễ phức tạp như chợ đầu mối, vẫn xuất hiện các ca bệnh chưa rõ nguồn lây, phải điều tra dịch tễ.

Tỉnh Phú Yên sau thời gian ngắn phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trong đợt dịch này đã ghi nhận tới 58 ca bệnh, cùng với đó là 586 trường hợp F1 và 2.598 trường hợp F2. Trong đó, trường hợp F0 (ca bệnh Covid-19) đầu tiên ở Phú Yên liên quan đến quán cơm, nơi một lái xe mắc Covid-19 từ TP.HCM dừng chân ăn cơm. Từ quán cơm này, chuỗi lây nhiễm đã trải qua thời gian dài, với mức độ tiếp xúc trong cộng đồng lớn. Nhiều trường hợp là F1, F2 thành F0 khiến tỉnh Nam Trung bộ này đã phải chuẩn bị kịch bản điều trị lên tới 500 giường và cách ly 7.000 người.

Tỉnh Bình Thuận sau phát hiện ca F0 đầu tiên vào đêm 23-6 vừa qua là một bác sĩ đi trên chuyến xe khách có ca mắc Covid-19 đã ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc bệnh và 6 ca nghi mắc. Tỉnh nằm không xa TP.HCM này đã truy vết được tới 1.500 trường hợp F1 và hơn 3.000 trường hợp F2; tiến hành giãn cách xã hội ở 3 địa phương gồm 2 huyện và TP Phan Thiết theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc dịch bệnh biễn biến nhanh và phức tạp tại các tỉnh và thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã khiến các địa phương này phải áp dụng các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Một trong những điều lo ngại nhất là hoạt động vận tải đường dài, liên tỉnh cả về hành khách và hàng hóa đang có nguy cơ trở thành một nguồn lây nhiễm dịch bệnh khó kiểm soát sau khi phát hiện những trường hợp lái xe, phụ xe và hành khách mắc Covid-19 rồi dẫn tới làm lây lan dịch bệnh tại địa phương là điểm đến của những người này.

Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận vào ngày 28-6 vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện số lượng xe khách hoạt động tại 5 tỉnh này nhiều, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, vì vậy, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Các tỉnh vì thế cần phải bố trí điểm đón đỗ dành riêng cho xe khách liên tỉnh để kiểm soát người di chuyển qua lại. Trong khi đó, việc trao đổi thông tin về các F0, F1, F2 giữa vùng có dịch và địa phương có liên quan đang bị chậm vì thế, nguy cơ dịch bệnh rất lớn, đòi hỏi phải có sự phối hợp ăn ý, chặt chẽ của các địa phương trong phòng chống dịch.

Chống dịch nhưng không gây khó người dân, doanh nghiệp

Những diễn biến mới với những chùm ca lây nhiễm từ các hoạt động vận tải, vận chuyển, luân chuyển nhân sự giữa các vùng và các địa phương, đã xuất hiện những biểu hiện, những động thái phòng chống dịch thái quá, có thể làm ảnh hưởng tới những hoạt động giao thương, làm ảnh hưởng, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, sản xuất kinh doanh. Nói cách khác chống dịch nhưng lại ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội và đều tác động tiêu cực tới việc thực hiện nhiệm vụ kép là vừa chống dịch nhưng vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, sau khi một số địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, cùng lúc các địa phương khác cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát người về từ vùng có dịch với biểu hiện “ngăn sông cấm chợ”, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ, ngành Trung ương về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

Do đó, có thể thấy, trong phòng chống dịch Covid-19 rất cần sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các địa phương. Bởi nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn và thống nhất giữa các địa phương có thể dẫn tới các biện pháp chống dịch “co cụm”, “cục bộ địa phương” và “ngăn sông cấm chợ” làm ảnh hưởng tới hoạt động lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng và duy trì sản xuất kinh doanh.

Một khi chưa có sự phối hợp và thống nhất giữa các địa phương, có thể lại xuất hiện các biểu hiện, biện pháp chống dịch thái quá, “chống dịch quá tay”. Điều này có thể làm ảnh hưởng không khỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, làm khó người dân và doanh nghiệp.

Trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế với TP.HCM và 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày 27-6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chúng ta đang đi đúng hướng, cơ bản vẫn kiểm soát được tình hình. Thời gian tới, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn, nhưng chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và sự chủ động, sáng tạo của các địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các địa phương phải chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Tùy tình hình trong từng thời điểm, từng nơi để dành ưu tiên, tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế hoặc nhiệm vụ chống dịch, có những nơi phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp cho cả 2 nhiệm vụ này.