Phối hợp chặt chẽ, đảm bảo tốt giao thông thủy nội địa

ANTD.VN - Ngày 11-11, CATP Hà Nội đã chủ trì và phối hợp với Công an 8 tỉnh giáp ranh tổ chức hội nghị trao đổi về trật tự giao thông đường thủy nội địa, đồng thời ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm ANTT.

Rõ trách nhiệm từng đơn vị

Theo đó, tham dự và ký vào Quy chế phối hợp bảo đảm ANTT giao thông thủy nội địa gồm: CATP Hà Nội (chủ trì) và Công an các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.

Đến dự hội nghị, về phía Bộ Công an có Thiếu tướng Mai Tiến Dũng – Phó Chánh văn phòng, cùng đại diện một số cục nghiệp vụ. Về phía Bộ Giao Thông có đại diện Cục Đường thủy nội địa. Và TP.  Hà Nội, có đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP, cùng đại diện một số sở, ban ngành.       

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định, trước những diễn biến phức tạp về giao thông thủy nội địa hiện nay thì việc phối hợp giữa CATP Hà Nội và Công an các tỉnh lân cận là vô cùng cần thiết.

Lãnh đạo CATP Hà Nội và 8 tỉnh bày tỏ quyết tâm bảo đảm ANTT giao thông thủy nội địa

Bởi giao thông đường thủy nội địa tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về ANTT cũng như tội phạm, đặc biệt là tình trạng khai thác cát sỏi, tài nguyên trái phép gây nguy hại đến sự an toàn của các tuyến đê. Thiếu tướng Đoàn Duy Khương mong muốn, tại hội nghị này, Công an các tỉnh tiếp tục thảo luận, đưa ra ý kiến nhằm hoàn thiện quy chế phối hợp.      

Báo cáo về thực trạng đường thủy nội địa trên địa bàn Thủ đô, Đại tá Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc CATP Hà Nội khái quát, toàn thành phố có 15 tuyến sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài 493,3 km. Trong đó có 7 tuyến sông có hoạt động khai thác, nạo vét cát lòng sông.

Do nhu cầu và lợi nhuận thu được từ các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản lớn nên các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa và đấu tranh.

Cũng theo Đại tá Đào Thành Hải, qua kiểm tra hàng trăm bến bãi trên địa bàn, CATP Hà Nội phát hiện nhiều bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn hoạt động tự phát, nằm sát cơ đê, làm ảnh hưởng đến dòng chảy và đê điều trong mùa mưa lũ.

Quá trình vận chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng các đối tượng thường sử dụng ô tô có trọng tải lớn chạy trên mặt đê gây rạn nứt đê, mất an toàn cho thân đê và gây bụi bẩn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Trước thực trạng nêu trên, trong thời gian qua, CATP Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch tổng kiểm tra, tập trung xử lý các điểm, tụ điểm phức tạp vi phạm về trật tự, ANTG đường thủy nội địa; khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép.

Trong kế hoạch và phương án triển khai, CATP Hà Nội đã đặt ra các mục tiêu, yêu cầu và giao trách nhiệm cho từng đơn vị, lực lượng, từng cán bộ, chiến sỹ để tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình từng địa bàn cụ thể, CATP đã có phiếu giao việc cụ thể đối với từng đồng chí Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã có sông để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai.

Báo cáo của CATP Hà Nội nêu rõ, từ 16-11-2015 đến 15-10-2016, các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã có đường sông đã phát hiện kiểm tra và bắt giữ 146 vụ việc, 171 đối tượng liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, cát, sỏi lòng sông trái phép và đã xử phạt hành chính hơn gần 3 tỷ đồng, tạm giữ 180 phương tiện và tịch thu 4 tàu thuyền.

Về bến bãi, trong thời gian qua, CATP Hà Nội đã xóa bỏ 11 bến bãi trái phép, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý 46 trường hợp, xử phạt gần 100 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất, không có kế hoạch bảo đảm vệ sinh, môi trường hoặc thực hiện không đúng các nội dung trong giấy phép.     

Lập đường dây “nóng” tại địa bàn giáp ranh

Tại hội nghị,  CATP Hà Nội đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc lâu nay. Đó chính là công tác quản lý, giám sát các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản hoặc được chấp thuận thực hiện các dự án nạo vét luồng đường thủy, tận thu sản phẩm còn chưa chặt chẽ và thậm chí là buông lỏng.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép nạo vét hoặc khai thác khoáng sản thường có dấu hiệu lợi dụng giấy phép để khai thác vượt ra khỏi phạm vi khu vực được cấp phép và không thực hiện đúng độ sâu theo chuẩn tắc thiết kế, khai thác vượt công suất, trữ lượng khai thác, gây tác động tiêu cực đến môi trường và hệ thống đê điều ven sông.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị quy chế phối hợp

Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép hoặc ký hợp đồng thuê đất với chính quyền địa phương, hợp tác xã và thanh toán tiền thuê đất nhiều năm liền nên khó khăn trong công tác xử lý, giải tỏa để trả lại hiện trạng ban đầu.

Chưa kể, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh trên sông với các tỉnh lân cận.

Trước những vướng mắc, bất cập nêu trên, CATP Hà Nội đề nghị Công an ở mỗi tỉnh, thành phố phải tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm ANTT trên lĩnh vực đường thủy nội địa tại địa bàn giáp ranh, nhất là công tác quản lý về khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ đê điều.

Phối hợp xây dựng các văn bản chung để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp, sơ kết, tổng kết giữa hai đơn vị. Khi phát hiện vấn đề, tình hình liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản… thì các đơn vị cần có sự gắn kết chặt chẽ để giải quyết.

Trường hợp cần thiết để giải quyết những vấn đề, tình hình phức tạp tại địa bàn giáp ranh thì các đơn vị cùng tham mưu cho chính quyền địa phương để chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã giáp ranh phối hợp giải quyết.

Tương tự, trong công tác tuyên truyền, CATP Hà Nội đề nghị, Công an ở mỗi địa phương cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND các quận, huyện, thị xã giáp ranh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” để kịp thời cung cấp những thông tin trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm cũng như tội phạm.

Đặc biệt để nâng cao hiệu quả phối hợp, CATP Hà Nội đề nghị Công an các tỉnh lân cận thiết lập đường dây “nóng” công khai tại địa bàn giáp ranh để người dân kịp thời thông báo, cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Sau đó, tin báo vi phạm pháp luật hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị nào thì đơn vị đó chịu trách nhiệm giải quyết và đơn vị liên quan phối hợp.

Kịp thời phát hiện tiêu cực trong cấp phép

Đại diện lãnh đạo 8 đơn vị Công an các tỉnh lân cận đều bày tỏ sự nhất trí và đồng thuận cao về quy chế phối hợp. Trong đó, đại diện Công an các tỉnh như Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ và Hà Nam còn đưa tới hội nghị nhiều kinh nghiệm thực tiễn rất quý báu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệt liệt biểu dương CATP Hà Nội về sáng kiến phối hợp với Công an 8 tỉnh lân cận trong việc thiết lập lại ANTT giao thông thủy nội địa. Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Nguyễn Thế Hùng cũng ghi nhận mọi kiến nghị của Công an các tỉnh.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, sau khi ký kết quy chế phối hợp Công an Thủ đô và Công an 8 tỉnh sẽ bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần kiên quyết và chủ động tấn công mọi vi phạm về ANTT giao thông đường thủy nội địa.

Đồng chí Phó Chủ tịch thành phố đề nghị, Công an các tỉnh phải vận dụng sáng tạo các chỉ đạo của Chính phủ cũng như các nghiệp vụ của lực lượng công an. Đặc biệt là phải làm tốt công tác điều tra cơ bản để nắm rõ thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản. Từ đó tham mưu cho UBND các tỉnh trong quá trình quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Đồng chí Nguyễn Thế Hùng cũng gợi mở, trong quá trình phối hợp, CATP Hà Nội cần rà soát và đề xuất UBND thành phố trang bị thêm các trang thiết bị cần thiết trong việc phát hiện, đấu tranh và phòng ngừa các vi phạm về trật tự ANTG đường thủy nội địa.

Phát biểu đáp từ bế mạc hội nghị, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc CATP Hà Nội bày tỏ cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo thành phố cũng như lãnh đạo Công an 8 tỉnh lân cận đã rất quan tâm và nhiệt huyết phối hợp với lực lượng Công an Thủ đô. Thay mặt Công an các tỉnh, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương xin lĩnh hội những chỉ đạo rất sát sao của lãnh đạo thành phố.

Theo người đứng đầu CATP Hà Nội, việc ký kết quy chế phối hợp hôm nay mới chỉ là bước đầu. Trong quá trình phối hợp, CATP Hà Nội và Công an các tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện mọi hoạt động liên quan. Nhân đây, Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu các đơn vị, lực lượng liên quan đến quy chế phối hợp phải chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị của các tỉnh lân cận.

Ngay sau hội nghị này, lãnh đạo các đơn vị phải quán triệt sâu sắc tới từng cán bộ, chiến sỹ thực hiện hiệu quả các mặt công tác. Đặc biệt, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương yêu cầu các đơn vị phải bắt tay vào cuộc ngay, phải nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện những tiêu cực trong việc cấp phép và khai thác cát, sỏi cũng như tài nguyên khoáng sản.

Đại tá Đào Thanh Liêm – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên

Thời gian vừa qua, Công an tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Công an các tỉnh giáp ranh như Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương trong việc đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm cũng như tội phạm trên lĩnh vực giao thông thủy nội địa. Nhiều đối tượng, hành vi hình sự đã bị bắt giữ, xử lý. Tuy nhiên, công tác phối hợp mới chỉ dựa trên biên bản thỏa thuận. Còn lần này, CATP Hà Nội và Công an tỉnh Hưng Yên cũng như Công an các tỉnh lân cận phối hợp dựa trên một quy chế rất chặt chẽ. Ngay sau buổi làm việc này, Công an tỉnh Hưng Yên sẽ quán triệt và chỉ đạo các đơn vị liên quan bắt tay triển khai các nội dung phối hợp, và tôi tin rằng hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm pháp luật về giao thông thủy nội địa nói chung và các vi phạm pháp luật hình sự nói riêng sẽ rất tốt.

Thiếu tướng Nguyễn Như Tuấn – Giám đốc Công an  Thái Nguyên

Tôi rất đồng tình và hưởng ứng quy chế phối hợp giữa CATP Hà Nội và Công an 8 tỉnh lân cận. Bởi thực tiễn cho thấy, nhiều khi phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là một số trường hợp khai thác tài nguyên trái phép ở những địa bàn giáp ranh, lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên rất khó bắt giữ và xử lý. Bởi khi phát hiện ra lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm sẽ di chuyển sang địa bàn tỉnh bên cạnh. Với quy chế phối hợp này, sự bó buộc về địa bàn giáp ranh sẽ được “cởi”. Đặc biệt, CATP Hà Nội luôn xử lý rất nhanh, gọn các vụ việc nên tôi tin tưởng rằng công tác phối hợp nhằm lập lại ANTT giao thông thủy nội địa sẽ đạt được những hiệu quả tích cực.

Đại tá Phạm Mạnh Thường – Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang

Đường thủy giờ đây không chỉ có những hoạt động giao thông thông thường hoặc hoạt động khai thác tài nguyên trái phép, mà còn tiềm ẩn, manh nha của nhiều loại tội phạm mang tính ổ nhóm, có tổ chức. Tôi rất đồng tình với ý kiến của Thiếu tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc CATP Hà Nội khi bàn về vấn đề điều tra cơ bản và cũng hoàn toàn tán thành với Quy chế phối hợp bảo đảm ANTT giao thông đường thủy nội địa. Ngoài việc CATP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Công an 8 tỉnh, tôi đề nghị thêm, trong những trường hợp cần thiết, Công an từng tỉnh có thể chủ động phối hợp sâu với Công an tỉnh, thành liên quan để bảo đảm hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm cũng như các vi phạm về ANTT đường thủy và hoạt động khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản.

Đỗ Văn Hoành – Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ

Thay mặt lượng Công an tỉnh Phú Thọ, tôi hoàn toàn nhất trí, hưởng ứng Quy chế phối hợp giữa CATP Hà Nội và Công an 8 tỉnh lân cận. Bởi việc đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm về ANTT giao thông thủy nói chung và tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản nói riêng đang là vấn đề cấp bách. Tôi tin tưởng rằng Quy chế phối hợp sẽ tạo ra sức mạnh mới để từng bước lập lại trật tự ATGT đường thủy nội địa. Sau hội nghị, chúng tôi sẽ quán triệt, triển khai các nội dung tới từng đơn vị liên quan. Và việc đầu tiên là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi đơn vị và từng cán bộ, chiến sỹ trực tiếp đấu tranh với nạn khai thác cát, sỏi, tài nguyên trái phép.