Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hãy bỏ nỗi sợ tự chủ thì không được Nhà nước đầu tư

ANTD.VN - Trước sự dè dặt của các trường đại học trong việc đứng ra tự chủ mọi hoạt động đào tạo, nhân sự, tài chính… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Các đồng chí hãy bỏ nỗi sợ trong đầu là nếu tự chủ thì không được Nhà nước đầu tư nữa”.

“Tôi khẳng định tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư chỉ có điều thay đổi cách đầu tư” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo Tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội.

Nêu về những tiến bộ trong giáo dục nói chung, bên cạnh sự tương đối yên tâm về giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng thẳng thắn nêu ra: “Có rất nhiều chỉ số để nói rằng giáo dục đại học “có vấn đề”, ví dụ số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm. Đương nhiên điều này còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, nhưng rõ ràng cũng có vấn đề về chất lượng đào tạo”.

Bên cạnh đó là tình trạng các công bố nghiên cứu quốc tế của Việt Nam rất thấp. Cụ thể, trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI (Tạp chí trong danh sách được ISI xếp hạng bằng số lần trích dẫn từ các tạp chí này- PV) thì Việt Nam không có tạp chí nào; trong số khoảng 20.000 tạp chí Scorpus (hệ thống xếp hạng tạp chí khoa học có tiếng như ISI ) thì Việt Nam có 3 tạp chí, nhưng không thuộc trường đại học mà toàn thuộc các viện nghiên cứu.

Phó Thủ tướng khẳng định tự chủ ở đại học không có nghĩa là cắt hết đầu tư ngân sách

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thực tế thì vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu và cũng đã thí điểm cách đây 10 năm áp dụng đối với ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh nhưng không đạt được tiến độ mong muốn với các trường tiếp theo bởi hầu hết đều hiểu lệch theo hướng tự chủ tài chính, lo lắng rằng nhà nước sẽ không cấp tiền nữa thì không có tiền chi thường xuyên.

Phó Thủ tướng chia sẻ, ở những quốc gia như Đức, Pháp có tự chủ đại học nhưng nhà nước vẫn cấp kinh phí. Còn với 14 trường đại học trong nước được trao quyền tự chủ hiện nay, các trường này đều vẫn đang được hưởng các khoản đầu tư lớn của nhà nước như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân đều có được những dự án vốn vay của nhà nước lên tới hàng chục triệu USD.

Theo Phó Thủ tướng, những “rào cản” trong vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường đại học từ chính sách thì hiện nay đã được tháo gỡ. Cụ thể là về tự chủ bộ máy tổ chức, nhân sự, Bộ Nội vụ có quyết định tháo gỡ căn bản liên quan đổi mới về sự nghiệp công. Trong sự nghiệp giáo dục, số biên chế hiện nay tự có, muốn tuyển thêm bao nhiêu là toàn quyền tự làm chứ không bị giàng buộc phải xin đề án xin nhân lực.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang soạn Dự thảo Nghị định theo hướng về cơ bản các trường đại học tự chủ toàn quyền nhưng thay đổi mô hình quản trị, trong đó điều kiện kiên quyết là thành lập Hội đồng trường và hoạt động đúng với vai trò của tổ chức này.

“Đổi mới đại học còn khó khăn hơn đổi mới doanh nghiệp bởi nó liên quan đến con người cho nên trong thời gian tới chúng ta cần có trách nhiệm hơn, khấu triệt và quyết tâm cao hơn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.