Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: "Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn"

ANTD.VN - "Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội.

Chiều nay 15-6, trước khi thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn các ĐBQH, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình được dành 15 phút để báo cáo thêm một số nội dung.

Cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thông tin nhiều tín hiệu tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,53% so với tháng 4, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%, cao hơn 4 tháng đầu năm (5,2%), khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá, khách quốc tế đạt hơn 5,3 triệu lượt, tăng 30,8%; tín dụng tăng trên 6,5%, thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất trong 9 năm, xuất khẩu tăng 17,4%, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 16,9%, ốn FDI đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 12 tỷ USD, tăng 10,4%...

"Tuy nhiên, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017", Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: "Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn" ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội

Về giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thảo luận kỹ và quyết nghị nhiều giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, nhất quán quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá; tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững, bảo đảm cuộc sống của nhân dân. 

Triển khai quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phấn đấu đạt tăng trưởng khu vực nông nghiệp 3,05%, xuất khẩu nông sản trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,34%; khu vực dịch vụ tăng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng trên 30%. Trên cơ sở các chỉ tiêu này, từng ngành, lĩnh vực xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chỉ đạo điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. 

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu: Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặc biệt; bảo đảm thanh khoản; thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia cơ cấu lại; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh... 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: "Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn" ảnh 2

Nhà máy đạm Hà Bắc, một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ

Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn: Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường. Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN...

Về một số vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng địa phương và các ngành chức năng chỉ đạo tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng "cát tặc” đang diễn ra ở nhiều nơi. Khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố sạt lở ven sông, ven biển, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống nhân dân. 

Về một số vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội: Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Xử lý ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng. 

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.