Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cắt ngay các thủ tục không cần thiết để giảm chi phí logistics

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Nhấn mạnh mục tiêu sắp tới của Việt Nam là phải giảm chi phí logistics xuống tương đương 16-20% GDP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ ngành liên quan cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn

Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể Diễn đàn logistics Việt Nam 2020 với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế" diễn ra ở Hà Nội sáng 26-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian qua, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%.

Cùng đó, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP. Tuy vậy, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi đặt ra trong bối cảnh mới của hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, mục tiêu mà Việt Nam đặt ra trong thời gian tới đây là tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%.

Đặc biệt, chi phí logistics phải giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Các đại biểu Trung ương và Hà Nội dự diễn đàn

Các đại biểu Trung ương và Hà Nội dự diễn đàn

Muốn đạt được các mục tiêu nêu trên đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên toàn thể tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng tới trên 30.000 doanh nghiệp.

Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%); doanh nghiệp kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%). Còn lại là doanh nghiệp vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và doanh nghiệp bưu chính chuyển phát (2,34%).

Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1-2020 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics, đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, đồng thời tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,... Việt Nam đã phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được ổn định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 439 tỷ USD, tăng 2,62%; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 229,7 tỷ USD, tăng 4,7%. Khi mà hàng loạt quốc gia trên thế giới đều tăng trưởng âm kim ngạch xuất nhập khẩu thì kết quả trên cho thấy sức sống, sức bền của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới cũng sẽ gia tăng áp lực đối với các ngành sản xuất và dịch vụ trong nước, trong đó có ngành logistic, đòi hỏi phải có sự quyết liệt hơn trong xây dựng và thực thi chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

“Chính vì thế, thông qua việc tổ chức diễn đàn logistic Việt Nam năm 2020, Ban Tổ chức mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia trong và ngoài nước đối thoại với các bộ, ngành để cắt giảm chi phí logistic và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” – Bộ trưởng Tuấn Anh mong muốn.