Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Ngân hàng “đi trên dây” khi hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng các ngân hàng thương mại như “đi trên dây” khi hỗ trợ doanh nghiệp, không cẩn thận sẽ dẫn đến nhiều hậu quả, thậm chí xảy ra sai phạm.

Không thể giảm thêm lãi suất huy động

Chia sẻ với báo chí, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời điểm này các ngân hàng không thể đặt câu chuyện giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra được nữa vì lãi suất đầu vào đã xuống rất thấp.

Thực tế, CPI 9 tháng đầu năm tăng 1,82%, tuy nhiên rất nhiều tổ chức quốc tế và ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây cũng dự báo khả năng năm nay CPI sẽ tăng khoảng 2,8-3,5%. Quốc hội cũng đưa ra chỉ tiêu dưới 4%.

“Cứ tạm thời lấy con số là tăng CPI là 3% đi. Lãi suất đầu vào bình quân hiện nay khoảng 5,5%, thì người gửi tiền thực dương có 2% thôi. Lãi suất tiền gửi ngắn hạn thậm chí còn thấp hơn nhiều. Vừa rồi các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống khoảng 0,5-1,5% so với trước đây, thì huy động vốn 9 tháng đầu năm chỉ còn 4,8% (cùng kỳ năm ngoái là hơn 6%).

So với tốc độ tăng trưởng tín dụng là 7,42% thì có thể thấy người gửi tiền đã chuyển sang đầu tư các lĩnh vực khác. Như vậy không thể đặt câu chuyện giảm lãi suất đầu vào đểu giảm lãi suất đầu ra được nữa vì nếu không huy động được thì lấy gì cho vay?” – Phó Thống đốc nói.

Vì vậy, lãnh đạo NHNN cho rằng phải duy trì được mức lãi suất đầu vào ở mức hiện nay để có lợi cho người gửi tiền. “Lãi suất đầu vào 5,5%, cộng với biên độ 2-2,5% thì lãi suất cho vay cũng phải ở mức 8%. Hiện nay lãi suất cho vay cũng chỉ khoảng 7,5-8%, là mức lãi suất rất hài hòa, có lĩnh vực các ngân hàng cho vay chỉ 4%. Công ty tài chính thì lãi suất có thể 10-12%, nhưng như vậy vẫn thấp hơn nhiều tín dụng đen” – ông Đào Minh Tú phân tích.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Vì vậy, theo Phó Thống đốc NHNN, để giảm thêm lãi suất thì hiện nay ngành ngân hàng phải tính đến 2 phương án: một là tiết giảm chi phí, hai là cắt giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện nay lợi nhuận ngân hàng công bố lớn, nhưng so với vốn bỏ ra đầu tư (vốn tự có của ngân hàng) thì tỷ lệ không phải cao, chỉ khoảng 10-12%, tỷ suất lợi tức thậm chí còn thấp hơn nhiều doanh nghiệp khác.

“Chưa kể, lợi nhuận đó là lợi nhuận được tính khi chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, là lợi nhuận tính cả lãi dự thu. Nếu siết lại, trừ tất cả những khoản này thì chắc chăn sẽ không được những con số như ngân hàng công bố” – ông cho biết.

Các ngân hàng “đi trên dây”

Đặc biệt, theo Phó Thống đốc, với đặc thù doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng nên ngành ngân hàng bị “khoác lên vai” trách nhiệm tín dụng với nền kinh tế hết sức nặng nề.

“Ở nước ngoài, doanh nghiệp cần 10 đồng thì có 7 đồng, còn lại đi vay 3 đồng thôi. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam có khi chỉ có 1 đồng, còn 9 đồng đi vay. Vì vậy, dịch như thế này doanh nghiệp rất khó khăn. Ngoài ra, ở các nước, khi doanh nghiệp thiếu vốn còn giải quyết trên thị trường vốn, tức là trên thị trường chứng khoán hay phát hành trái phiếu… Nhưng ở Việt Nam thì vẫn phụ thuộc vào tín dụng là chính” – Phó Thống đốc cho biết.

Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ví von các ngân hàng thương mại như “đi trên dây” khi hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nếu cứ thả, mở cửa ra, bao nhiêu tín dụng cần, ngân hàng cho vay hết, sau này không trả được ai chịu trách nhiệm. Mất thanh khoản, rối loạn nền kinh tế ngay lập tức. Ngược lại, nếu ông cứ đóng cửa, chặt chẽ quá, mai này doanh nghiệp “chết”, huy động về không cho vay được cũng nguy hiểm.

Vì vậy các ngân hàng thương mại cũng rất khó khăn, họ phải giải quyết đồng thời câu chuyện tiền huy động về không để một chỗ được. Nhưng ngược lại cho vay mà không cẩn thận, nếu sai phạm, chủ quan thì thậm chí là đi tù, chứ không chỉ là câu chuyện mất vốn” – ông nói.

Do vậy, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp thế nào, có hạ chuẩn cho vay hay không cần có một bài toán tổng hợp, cần một cơ quan cao hơn NHNN là Chính phủ đưa ra một chính sách tổng thể.

“Gói hỗ trợ lãi suất, nếu có, phải đặt ra đối tượng là ai, đối tượng ấy có khả năng phục hồi, lan tỏa đến các đối tượng khác không hay càng ném vào càng “chết”. Đó là cái rất khó” – Phó Thống đốc chia sẻ.