Phố Quán Sứ - nơi trú chân của các sứ thần

ANTD.VN - Phố Quán Sứ có chùa Quán Sứ và tên chùa được lấy luôn làm tên phố giống như nhiều phố khác ở Hà Nội như phố Lý Quốc Sư, phố chùa Vua, phố chùa Bộc…

Phố Quán Sứ - nơi trú chân của các sứ thần ảnh 1Quang cảnh chùa Quán Sứ

Sứ quán cổ nhất trong nền ngoại giao nước Việt

Chùa Quán Sứ vốn là đất một khu nhà cho các sứ thần các nước trú chân trước khi vào chầu Vua nước Việt. Thường là dành cho các sứ thần phương Nam đến từ các nước Chiêm Thành, Ai Lao, Chà Và... Sứ giả các nước này vốn sùng đạo Phật nên người ta xây thêm một ngôi chùa nhỏ ngay trong khu để họ có nơi tế lễ. Như vậy, ngay từ đầu, địa điểm này đã có sự kết hợp của dinh sở và chùa chiền. Chùa Sứ Quán có thể coi như những sứ quán cổ nhất trong nền ngoại giao của nước Việt với lân bang.

Theo thời gian và chiến tranh, khu dinh cơ dành cho các sứ thần sụp đổ nhưng chùa thì vẫn còn và được tu sửa lại làm chỗ cho các binh sĩ đóng quân ở một đồn gần đó có nơi bái lễ. Khởi thủy từ thời Lê sơ, thế kỷ XV và quy mô chùa khi ấy chưa khang trang bằng các chùa khác có niên đại trước đó hoặc cùng thời. Nhưng lịch sử luôn có chỗ bất ngờ nhất định, từ một chỗ trú chân của các sứ thần, có thêm chùa với quy mô khiêm tốn, Quán Sứ đã trở thành ngôi chùa khang trang, trụ sở chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhánh tôn giáo truyền thống được nhiều người hướng tới nhất.

Phố Quán Sứ - nơi trú chân của các sứ thần ảnh 2Nhà văn Uông Triều

Chùa Quán Sứ thờ thiền sư nổi tiếng thời Lý

Thời Pháp thuộc, Phật giáo có phần suy vi, có rất nhiều tôn phái khác nhau và thậm chí có lúc xảy ra những mâu thuẫn, bất hòa. Cần có một sự thống nhất, đoàn kết của Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ những năm 1930 và từ miền Nam lan ra cả nước. Và năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập, sư chùa Vĩnh Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Hanh được tôn là “Thiền gia pháp chủ”, chùa Quán Sứ được chọn làm Trụ sở của Hội và từ đó chùa có một vị thế mới.

Để công cuộc chấn hưng Phật giáo được thực hiện nghiêm túc, người ta đã mở hẳn một cuộc thi vẽ kiến trúc chùa nhưng không thành công, cuối cùng bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng được chọn và đích thân trụ trì chùa Quán Sứ khi đó là tổ Vĩnh Nghiêm duyệt bản thiết kế. Năm 1942 chùa được hoàn thành. Là trụ sở của một giáo hội lớn, Quán Sứ có những điểm riêng biệt. Đó là ngôi chùa được xây hai tầng theo kiểu hiện đại đầu tiên trong cả nước. Tận ba mươi năm sau, chùa Vĩnh Nghiêm trong Sài Gòn mới được xây dựng cũng theo kiến trúc hai tầng. Và ở một ngôi chùa trung tâm của Giáo hội Phật giáo, ý thức giữ gìn chính pháp rất cao, trong chùa không có ban thờ “mẫu tam tứ phủ” vì đó là tín ngưỡng bản địa phát sinh không thuộc Phật giáo, điều khá hiếm gặp trong hệ thống chùa ở Việt Nam.

Chùa Quán Sứ hiện là ngôi chùa lớn nằm giữa khu trung tâm với tòa ngang dãy dọc phục vụ nhiệm vụ của mình. Chùa có thư viện, giảng đường, nhà khách, hội trường và tăng phòng. Kiến trúc chùa đẹp, thanh thoát, khá hiện đại nhưng vẫn đảm bảo những nguyên tắc pháp quy của tôn giáo. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, một vị thiền sư nổi tiếng thời Lý. Trong các tượng ở chùa, có một pho rất đáng chú ý là tượng Hòa thượng Thích Thanh Tứ (1927-2011) trong dáng ngồi niệm Phật có kích cỡ và hình dáng như người thật. Đây là điều khá đặc biệt vì các tượng thờ trong các chùa Việt Nam đa số theo lối ước lệ, các pho tượng khá giống nhau, ít có sự khác biệt ở bề ngoài.

Bệnh viện K với phong cách tân cổ điển

Phố Quán Sứ - nơi trú chân của các sứ thần ảnh 3Tòa nhà Bệnh viện K được xây dựng năm 1927 

Phố Quán Sứ còn có một bệnh viện cổ - đó là Bệnh viện K Trung ương, một trong những bệnh viện được xây dựng rất sớm và còn giữ được kiến trúc thuở ban đầu. Bệnh viện K được xây dựng năm 1927 do kiến trúc sư C.Delpech vẽ thiết kế theo phong cách tân cổ điển với cấu trúc rất chặt chẽ, hoa mĩ. Tên ban đầu của bệnh viện là Insitut du Radium de L’Indochine (Viện phóng xạ Đông Dương) và dòng chữ này hiện vẫn còn đậm nét trên trán tòa nhà chính. Có thời kỳ bệnh viện được mang tên nữ bác học nổi tiếng người Pháp gốc Ba Lan, Marie Curie, người hai lần được giải Nobel Vật lý và Hóa học. Bệnh viện này chính thức được người Pháp bàn giao cho Việt Nam năm 1957 và hiện thời là tuyến cao nhất phòng chống và điều trị các bệnh K trong cả nước.

Bệnh viện K bao giờ cũng đông nghẹt người như những bệnh viện lớn khác và có lẽ đây là nơi người ta phải chứng kiến nhiều nhất những số phận, đời người. Những lần đến thăm bệnh viện luôn mang đến cho ta rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ về cuộc đời và để có một lối sống tích cực, vị tha và nhân ái hơn.

Đài Tiếng nói Việt Nam và nhạc hiệu quen thuộc

Phố Quán Sứ - nơi trú chân của các sứ thần ảnh 4Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập từ năm 1945. Trong ảnh: Chiếc loa hiện đang được lưu giữ trong khuôn viên Đài Tiếng nói Việt Nam 58 phố Quán Sứ đã từng mỗi sớm phát đi những giọng đọc đầy truyền cảm: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”  

Nhưng nhắc đến phố Quán Sứ không thể không nói tới một địa chỉ quen thuộc với hầu hết người Việt Nam, nhất là những người trung niên trở lên. Đó là trụ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam khi mà hàng ngày, từ sáng sớm chính từ nơi này phát đi những giọng đọc đầy truyền cảm: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”. Lời “xướng” ấy thân thuộc với nhiều người nhất là vào những giai đoạn trước đây khi mà radio là phương tiện phổ biến nhất để đưa thông tin đến với người dân khắp mọi miền Tổ quốc.

Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập từ năm 1945 nhưng vẫn có những nét cổ điển được giữ nguyên sau từng ấy năm. Nhạc hiệu của Đài là bài “Diệt phát xít” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi phát liên tục từ ngày thành lập và lời xướng chỉ thay đổi chút ít cho phù hợp. Từ năm 1945 đến 1976 là: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, do hai phát thanh viên Việt Khoa và Tuyết Mai đọc. Và từ năm 1976 đến nay là: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, do Hà Phương và Hoàng Yến thể hiện.

Lịch sử của phát triển là thay đổi làm cho mới hơn, đẹp hơn nhưng có những thứ cổ điển vẫn giữ được giá trị và vẻ đẹp của mình. Phố Quán Sứ cũng làm trong quy luật ấy, hiện đại và cổ điển hòa hợp trong một không gian phố phường ngày càng nhộn nhịp và nhiều màu sắc.