Phố đi bộ: Phải giữ được nét văn hóa riêng

ANTĐ - Theo khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, hầu hết các hộ dân sống trong khu vực phố cổ đều ủng hộ thành lập các tuyến phố đi bộ vào cuối tuần. Tuy nhiên, nội dung của tuyến phố đi bộ sẽ ra sao vẫn đang chờ các nhà hoạch định, xây dựng.

Hầu hết người dân ủng hộ thực hiện các tuyến phố đi bộ

Ủng hộ phố đi bộ 2 ngày cuối tuần

Dự kiến, tuyến phố đi bộ sẽ gồm Đồng Xuân-Hàng Ngang-Hàng Đào, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Tràng Tiền (từ Hàng Bài đến Nguyễn Xí), Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Lê Lai. Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, không gian tổ chức phố đi bộ được thực hiện theo nguyên tắc vừa bảo đảm quy hoạch đô thị vừa bảo tồn di sản, phát triển du lịch, thương mại phù hợp… Những phố trên sẽ cấm xe, dành đường cho đi bộ từ 6h sáng thứ 7 đến 23h chủ nhật hàng tuần.

Tuy nhiên, đáng quan tâm là khi thực hiện phố đi bộ vào 2 ngày cuối tuần thì giao thông trong khu vực này sẽ được đảm bảo ra sao. Theo quan điểm của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, thì không nên tổ chức chợ dưới lòng đường để bảo đảm nhu cầu đi bộ và các hoạt động khác. Riêng xe điện được phép hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu của du khách. Với các hộ dân sống trong khu vực ảnh hưởng, sẽ cấp phù hiệu riêng để gửi tại các bãi xe trong thời gian tổ chức đi bộ. Để bảo đảm đủ chỗ trông giữ phương tiện cho nhân dân và khách du lịch, sẽ bố trí 14 điểm trông giữ quanh khu vực phố đi bộ với tổng diện tích gần 5.700m2. Các bãi trông giữ xe ô tô sẽ được “kéo giãn” ra phía ngoài để bảo đảm giao thông. Các hộ kinh doanh, buôn bán sẽ được dành thời gian cụ thể cho việc giao, nhận hàng.

Thuận lợi lớn nhất trong việc thực hiện tuyến phố đi bộ, theo khảo sát của Sở GTVT cũng như Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, hầu hết người dân sinh sống trong khu vực này đều ủng hộ. Theo đó, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã phối hợp với chính quyền địa phương điều tra thực tế với 5.890 hộ tại 44 tuyến phố thuộc 10 phường gồm: Đồng Xuân, Hàng Mã, Hàng Đào, Hàng Trống, Tràng Tiền, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bạc và Lý Thái Tổ. Kết quả cho thấy, 70,4% người dân trong khu vực ủng hộ thành lập phố đi bộ, 27,5% không ủng hộ. Hơn 70% trong số 925 hộ sống tại các phố đi bộ cũng ủng hộ chủ trương lập phố đi bộ.

Nội dung đang chờ đợi

Như vậy, không gian phố đi bộ đã được xác định và sẽ có phương án tổ chức giao thông tại khu vực. Sở GTVT sẽ có phương án phân luồng cụ thể, tổ chức lại cụm đèn giao thông tại một số nút giao để bảo đảm giao thông thông suốt. Những bãi trông giữ xe trái phép sẽ bị xử lý nghiêm để bảo đảm văn minh đô thị. Ngoài ra, sẽ phải tính toán khu vực gửi xe không những cho người dân sinh sống trong phố mà cả xe của du khách tham quan; phương tiện đi lại cũng như di chuyển hàng hóa từ ngoài vào trong khu vực phố đi bộ ra sao…

Thượng tá Phạm Văn Thời - Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm lo lắng, việc tổ chức cấm xe trong khu vực vào ban ngày sẽ rất khó khăn và cần sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng thành phố. Cùng chung suy nghĩ này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm - Trương Minh Hải băn khoăn, nếu chỉ tổ chức đi bộ đơn thuần mà không tổ chức dịch vụ, ẩm thực, văn hóa, thương mại sẽ không phát huy được ưu thế, không thu hút được khách tham quan, du lịch. Theo ông Hải, phải có hoạt động kinh doanh, thương mại, văn hóa, lễ hội vào những ngày cuối tuần thì phố đi bộ mới có sức hút.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thành phố giao Sở nghiên cứu xây dựng thí điểm không gian đi bộ. Do đó, việc tổ chức các loại hình dịch vụ, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, phát triển du lịch sẽ do UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, thực hiện cụ thể trong không gian đó. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thì phương án tổ chức tuyến phố đi bộ mới xong về phần mặt bằng, còn điều mà nhiều người mong chờ là tuyến phố đi bộ sẽ được thiết kế như thế nào cho ra hình hài, hấp dẫn mà vẫn giữ được nét văn hóa thì vẫn chưa có.