Phipipines chi 570 triệu USD trang bị vũ khí cho tàu hộ vệ mới

ANTĐ - Bộ quốc phòng Philippines đã quyết định chi 2,5 tỷ peso trong tổng số 18 tỷ peso dự toán ngân sách mua sắm vũ khí, trang bị để lắp đặt cho 2 tàu hộ vệ tên lửa mới.

Tuần san “Jane's Defence” của Anh đưa tin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phipipines  Patrick Velez, người chuyên phụ trách công tác mua sắm, trang bị và hậu cần cho lực lượng quân đội nước này cho biết, bộ quốc phòng nước này đã quyết định chi 2,5 tỷ peso (khoảng 570 triệu USD) mua sắm hệ thống vũ khí và trang thiết bị quân sự cho 2 tàu tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ mới.

Kinh phí mua sắm lần này nằm trong gói ngân sách 18 tỷ peso của hạng mục trang bị tàu hộ vệ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được loại tàu nào sẽ được trang bị các loại vũ khí này.

Sau khi hủy bỏ kế hoạch mua lại 2 chiếc tàu hộ vệ cũ lớp Maestrale  của Italy hồi tháng 2-2013, Philippines đang tiến hành chọn mua tàu hộ vệ khác. Theo kế hoạch mua sắm tàu hộ vệ mới lần này, Philippines sẽ mua loại tàu có chiều dài trên 100 mét và lượng giãn nước từ 2000 tấn trở lên.

Các chiến hạm mới này sẽ phối hợp với 2 tàu tuần tra hiện có của hải quân Philippines thuộc lớp Gregorio del Pilar (tên Philippines của loại tàu tuần tiễu lớp Hamilton, muc lại của Mỹ), lần lượt mang số hiệu là BRP PF-15 "Gregorio del Pilar" và BRP PF-16 "Ramon Alcaraz”, chuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại các vùng biển quản hạt trên biển Đông.

Phipipines chi 570 triệu USD trang bị vũ khí cho tàu hộ vệ mới ảnh 1

Tàu tuần tra thuộc lớp Gregorio del Pilar của hải quân Philippines

Hiện có một số thông tin cho biết, các tàu tuần tiễu lớp Gregorio del Pilar cũng sẽ được trang bị thêm tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon của Mỹ (hiện mới chỉ có pháo hạm). Nếu thông tin trên là chính xác thì năng lực tác chiến của 2 tàu này đã được nâng lên một tầm cao mới, giúp nó có khả năng đương đầu với các tàu chiến của Trung Quốc.

Một quan chức lực lượng hải quân Phipippies ngày 12-8 cho biết, hiện bộ quốc phòng và hải quân nước này vẫn chưa xác định cụ thể các loại vũ khí, trang bị và các thiết bị phụ trợ khác cần phải mua sắm, tuy nhiên họ sẽ chính thức đưa ra quyết định sau khi xem xét đề xuất của các nhà thầu.

Nguồn tin cho hay, hiện Bộ quốc phòng Philippines đang lập một quy trình mua sắm,  nhằm đảm bảo hệ thống vũ khí được mua phải tương thích với tàu.

Hiện có một số nhà thầu đang cạnh tranh giành gói thầu này, bao gồm công ty đóng tàu và vận tải biển Daewoo (Daewoo Shipbuilding) cùng công ty công nghiệp nặng Hyundai (Hyundai Heavy Industries) của Hàn Quốc, công ty đóng tàu Garden Ridge của Ấn Độ và nhà máy đóng tàu Navantia của  Tây Ban Nha.