Nghịch lý phim Việt khi ra rạp:

Phim trường là… chiến trường!

ANTĐ - Những ngày vừa qua việc NSƯT Chánh Tín lâm vào cảnh nợ nần khiến nhiều người chua xót, nhưng chuyện ông vỡ nợ vì làm phim không có gì là lạ. Bởi từ trước đến nay vẫn tồn tại một nghịch lý trong phim Việt, đó là phim có giá trị nghệ thuật cao thường chỉ có doanh thu từ hòa đến lỗ!

“Tèo em” có doanh thu khủng” 80 tỷ đồng

May vì lỗ ít

Dù bất ngờ rinh về “cơn mưa” giải thưởng tại sân chơi “Cánh diều Vàng 2013” vừa khép lại song đạo diễn Quang Huy thẳng thắn chia sẻ bộ phim “Thần tượng” mà anh thực hiện có doanh thu chưa hòa vốn. Vị đạo diễn tay ngang nửa đùa nửa thật rằng doanh thu này đã là ngoài sức tưởng tượng với một người suốt hơn 20 năm chỉ làm “bầu sô” ca nhạc như mình. Và cái được nhất của bộ phim sau khi bị lỗ là mang về rất nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá mà nhiều bộ phim doanh thu “khủng” khác không làm được. Đây cũng là nghịch lý chung thường thấy của phim Việt khi ra rạp.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng đạo diễn Quang Huy còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác bởi có nhiều phim không chỉ bị lỗ, thậm chí lỗ thê thảm về mặt doanh thu mà còn không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Trong số đó có không ít phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Ví như “Cát nóng” của đạo diễn Lê Hoàng. Bộ phim này từng khiến nhiều người thất vọng ngay khi được chọn trình chiếu khai mạc “Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 2”. Không bằng lòng với việc bị chê, đạo diễn Lê Hoàng và Hãng phim Giải Phóng quyết đem “Cát nóng” ra rạp nhưng lại thất bại một lần nữa khi phim không bán được vé, phải ngưng chiếu giữa chừng vì số lượng người xem quá ít. Điều này đồng nghĩa với việc phim không đem về doanh thu cho nhà sản xuất. Nhưng vì là phim được làm từ nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp nên việc bị lỗ thế hay lỗ nữa cũng không làm nhà sản xuất hay đạo diễn phải đối mặt với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. 

“Cát nóng” của đạo diễn Lê Hoàng thất bại ở cả hai mặt: giá trị nghệ thuật và doanh thu

Làm phim như “chơi chứng khoán”

Ở một thái cực khác, “Tèo em” của đạo diễn Charlie Nguyễn dù làm mưa làm gió khắp các phòng vé sau khi ra rạp và đem về cho nhà sản xuất doanh thu khổng lồ lên tới 80 tỷ đồng nhưng lại không được đánh giá cao về mặt giá trị nghệ thuật. Nhiều bộ phim ăn khách khác khi ra rạp cũng có chung số phận như “Tèo em”. Nói đúng hơn, ngay từ đầu các nhà sản xuất đã xác định làm phim để bán vé chứ không phải để được ghi nhận ở các sân chơi điện ảnh trong và ngoài nước. Và tiêu chí quan trọng để đánh giá sự thành bại của bộ phim không nằm ở việc nó có mang về giải thưởng gì hay không, mà ở chỗ nó bán được bao nhiêu vé mà mang về bao nhiêu tiền. Vậy nên trước ngày “Tèo em” ra rạp, đạo diễn Charlie Nguyễn mới tâm sự thẳng thắn rằng anh có góp tiền vào làm phim nên có chút lo lắng khi phim bắt đầu chiếu, giống như việc chơi chứng khoán. Giới làm phim vẫn nói vui với nhau rằng: “phim trường là thương trường, mà thương trường là chiến trường”. Vậy nên không phải không có những người như NSƯT Chánh Tín, thế chấp cả nhà để vay tiền làm phim, nhưng số này rất ít.

Về điều này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thừa nhận các phim Việt do Nhà nước đặt hàng sản xuất còn rất ít, không đề cao doanh thu, còn phim do các hãng tư nhân tự sản xuất thì phải tính đến chuyện thu hồi vốn và có lãi.  Khi được hỏi, các nhà sản xuất phim tư nhân cũng không giấu việc một bộ phim chỉ có thể hòa vốn khi thu về doanh thu ít nhất phải gấp đôi kinh phí sản xuất. Bởi lẽ một nửa doanh thu sẽ phải chia cho đơn vị phát hành và các rạp chiếu. Vì thế càng làm phim kinh phí cao bao nhiêu thì càng dễ lỗ bấy nhiêu.

Ngày càng kéo được đông người xem tới rạp, đó là điều mà nhiều bộ phim Việt đang làm được, chỉ có điều đó không phải là những bộ phim có sức nặng về giá trị nghệ thuật dù được đánh giá là “bom tấn” về mặt doanh thu!