Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười

Phim tham dự Oscar phải có ý nghĩa nhân văn sâu sắc

ANTĐ - “Mùi cỏ cháy”, bộ phim dành được nhiều giải thưởng của điện ảnh Việt Nam và được giới chuyên môn, khán giả đánh giá cao về chất lượng. “Mùi cỏ cháy” cũng bất ngờ được cử làm đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự Oscar 2013 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Phóng viên Báo ANTĐ Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện ngắn với “cha đẻ” của bộ phim là đạo diễn Nguyễn Hữu Mười về câu chuyện Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người” và những suy nghĩ của anh về nền điện ảnh Việt Nam.
Phim tham dự Oscar phải có ý nghĩa nhân văn sâu sắc  ảnh 1


- Anh có thể chia sẻ về bộ phim sẽ tham dự giải Oscar 2013 tới?

- Đó là niềm vui và vinh dự của tôi và cả đoàn làm phim. Bởi bộ phim “Mùi cỏ cháy” được lựa chọn đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar, giải có uy tín lớn nhất của điện ảnh thế giới. Với Oscar, bất kỳ ai đang hoạt động trong nghệ thuật điện ảnh đều hy vọng được tham gia. 

- Anh có kỳ vọng “đứa con tinh thần” này  sẽ gây bất ngờ tại Oscar hay là chỉ đi thi để học hỏi?

- Để gây được bất ngờ tại Oscar đâu phải là dễ dàng, bởi điện ảnh thế giới đã có hàng trăm tác phẩm nói về chiến tranh. Tôi nghĩ rằng, việc gửi phim đi tham dự lần này chỉ để bạn bè thế giới biết là chúng ta vẫn có một nền điện ảnh. Còn giao lưu học hỏi lại là việc khác. Đây là cuộc thi thực thụ, nếu hợp tiêu chí thì may mắn lắm “Mùi cỏ cháy” mới được vào vòng trong.


- Việt Nam cũng đã nhiều lần “mang phim đi chiếu xứ người”, nhưng không mấy khi thành công hoặc lại ra về tay trắng, theo anh đó là lý do vì sao?

- Tôi nghĩ rằng cần đầu tư công nghệ sản xuất phim và những vấn đề được đặt ra trong phim phải là những vấn đề của toàn cầu chứ không chỉ bó hẹp trong biên giới Việt Nam. Ngoài ra, thông điệp của các nhà làm phim phải mang tầm quốc tế, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

- Vậy anh kỳ vọng những gì ở thế hệ làm điện ảnh trẻ tuổi, thế hệ tương lai của nền điện ảnh Việt Nam sau này?

- Thế hệ trẻ ngày nay được tiếp cận nhiều thông tin, tiếp cận nhiều công nghệ làm phim và các phương tiện thể hiện hình ảnh ngày một hiện đại. Tôi cũng như nhiều người làm điện ảnh, yêu thích đam mê môn nghệ thuật thứ bảy, hy vọng thế hệ làm điện ảnh trẻ tuổi sẽ làm được nhiều tác phẩm hay, và được bạn bè quốc tế chú ý. 

- Thị trường điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều phim ăn khách được đầu tư lớn, nhưng nội dung phim lại không quá xuất sắc,  tập trung nhiều vào giải trí. Anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ đó là kết quả của tư duy làm phim mang tên kinh tế thị trường. Những phim đó không nhắm tới mục đích nghệ thuật. Đơn giản, những nhà làm phim thị trường có đích ngắm tới đó là… túi tiền của khán giả.

 

- Đã bao giờ anh nghĩ, anh sẽ làm những bộ phim thị trường để có thể kéo được nhiều khán giả đến rạp xem phim của mình?

- Nếu hiểu phim thị trường là nông cạn, là nhảm nhí… thì tôi không thể làm được. Tôi nghĩ làm được phim thị trường cũng phải có năng khiếu. 

- Vậy anh đã và đang đóng góp những gì để có thể xây dựng một thế hệ làm điện ảnh trẻ hiện nay?

- Mỗi người làm phim phải tự định hướng cho chính mình. Và chúng tôi, những người làm điện ảnh đi trước cũng không thể thay đổi được tư duy, hay sở thích của người thế hệ trẻ. Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ hãy cứ làm phim thao quan điểm của mình, rồi từ đó khán giả và dư luận sẽ phán xét. 

- Anh có thể chia sẻ dự án điện ảnh trong tương lai của anh? 

- Hiện nay, tôi vẫn mong muốn và tìm kiếm những kịch bản hay để làm phim. 

Xin cảm ơn anh! Và chúc anh gặt hái nhiều thành công trong công việc và cuộc sống!

“Mùi cỏ cháy” được hoàn thành năm 2011. Ngay sau đó, bộ phim đã tham gia LHP Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên và đoạt giải Bông sen Bạc. Tiếp theo, “Mùi cỏ cháy” tiếp tục giành giải cách diều Vàng năm 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngoài ra, phim còn giành được những giải thưởng cá nhân cho biên kịch, quay phim và âm nhạc. “Mùi cỏ cháy” cũng thỏa mãn tất cả các tiêu chí của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ đề ra cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất như phim phải được phát hành phát hành trong khoảng thời gian từ 1-10-2011 đến 30-9-2012;  phim phải được chiếu thương mại liên tục ít nhất 7 ngày tại thị trường nội địa… “Mùi cỏ cháy” cũng được đánh giá cao về mặt chất lượng, có phụ đề tiếng Anh. Trước đó, các phim Áo lụa Hà Đông, Mùa len trâu, Đừng đốt… cũng đã tham dự giải Oscar nhưng ra về… trắng tay. Năm ngoái, bộ phim Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã được chọn là đại diện cho Việt Nam đi dự Oscar 2012 nhưng đã không lọt vào vòng đề cử.