Phim tài liệu về Đường 20 quyết thắng: Sống dậy một thời huyền thoại

ANTĐ - 123 km của Đường 20 – Quyết Thắng, con đường huyền thoại từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là một “kỳ công, kỳ tích, kỳ quan” sẽ được làm sống lại trong 4 tập phim tài liệu “Huyền thoại một con đường”. Bộ phim do Công ty Nghe nhìn truyền hình Hà Nội phối hợp với Báo An ninh Thủ đô sản xuất. 

Hang Tám Cô - nơi ghi dấu nhiều câu chuyện lịch sử 
trên con đường 20 huyền thoại 

Hào sảng và xúc động 

Ông Phùng Bá Tuấn – Giám đốc Công ty Nghe nhìn Hà Nội tâm sự, bắt đầu từ hoài niệm của một cựu chiến binh năm nay đã ở tuổi thất thập  – Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) về con đường lịch sử Đường 20 - Quyết Thắng, ông đã ấp ủ ý định phải làm điều gì đó về con đường huyền thoại này. Và 4 tập phim tài liệu “Huyền thoại một con đường” ra đời khi ông tình cờ chia sẻ ý định ấy cùng Đại tá Đào Lê Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô và nhận được sự ủng hộ về ý tưởng lẫn hỗ trợ về kinh phí để sớm cùng nhau phối hợp thực hiện. Ý thức được giao lại cho đạo diễn Dương Hùng Phong – một người nhiều kinh nghiệm và cũng từng khoác áo lính chấp bút viết kịch bản rồi dàn dựng. Vị đạo diễn tài ba chia sẻ, ngay khi bắt tay vào thực hiện bộ phim này, ông đã nghĩ đến những kỷ niệm, những câu chuyện khi còn khoác áo lính, nghĩ đến cả những người đồng đội của mình. Đâu đó hiện lên rất rõ hình ảnh về con đường đã ghi lại dấu tích của cả một thế hệ quên mình ra trận, dù ra đi khi tuổi còn xanh nhưng chiến công thì sống mãi cùng lịch sử dân tộc. 

Để có được những thước phim chân thực về con đường 20 – Quyết Thắng, đoàn làm phim đã nhiều lần đi dọc con đường dài 123 cây số bắt đầu từ bản làng Phong Nha trải dài sang tới ngã ba Lùm Phùm thuộc tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào. Con đường năm xưa từng gồng mình tải biết bao vũ khí, đạn dược, lương thực và cả sức người từ hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam, nay lại trở thành tuyến đường nối liền những danh thắng lịch sử đã trở thành di sản như: động Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Tám Cô, hang cô Sặng, ngã ba Trạ Ang, hầm Ta Lê, đèo Pu la nhích… Mỗi mét đường đều in dấu xương máu của những người bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân và cả dân công tuổi 20 mãi mãi nằm lại nơi này. Trong cuộc hành trình dọc con đường huyền thoại ấy, đạo diễn Dương Hùng Phong cùng êkip làm phim đã được nghe, được thấy không ít những câu chuyện xúc động và huyền bí mà sau này đã trở thành chất liệu để ông đưa vào 4 tập phim. 

Đó là câu chuyện về nữ y tá – liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng ngày đêm trực chiến ở ven đường để cấp cứu và chăm sóc cho đồng đội nhưng chính cô lại hy sinh vì căn bệnh sốt rét. Điều kỳ lạ là trước cửa ngôi miếu thờ cô được đặt tên là miếu Y tá nằm cheo leo bên sườn núi sát đường 20, đoàn làm phim đã thấy bướm trắng nhiều vô kể. Hình ảnh cánh bướm trắng mỏng manh như tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời người con gái khiến ai ngang qua cũng không khỏi xúc động. Rồi tại khu di tích hang Tám Cô còn lưu giữ hình ảnh những khối đá trước cửa hang hệt như thiên nhiên tạc đội hình các chị kéo nhau ra trận. Đạo diễn Dương Hùng Phong chia sẻ cũng tại đó ông còn được nghe kể những câu chuyện kỳ lạ về tiếng tắc kè kêu 8 tiếng, nở ra một ổ 8 con… Tất cả những chi tiết ngẫu nhiên mà vô cùng độc đáo ấy đã góp phần làm bộ phim giống như một bản tráng ca, hào sảng, thiêng liêng mà cũng vô cùng xúc động.

Những cuộc gặp bất ngờ…

Khi thực hiện bộ phim một trong những điều bất ngờ nhất như chia sẻ của đạo diễn Dương Hùng Phong chính là việc tìm ra người mẹ của một trong 8 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh và hóa thành bất tử tại hang Tám Cô năm xưa. Người mẹ này năm nay cũng đã gần 100 tuổi và đang sống cùng họ hàng ruột thịt ở quê nhà. Những tâm sự của bà được ghi lại trong phim về cô con gái đã hy sinh khi chưa kịp đi hết tuổi thanh xuân đã khiến những người làm phim bật khóc. Đó cũng chính là nỗi lòng của biết bao người mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong bộ phim này, người ta cũng sẽ được gặp lại hình ảnh của hai người có đóng góp vô cùng quan trọng làm nên tuyến đường 20 – Quyết Thắng. Đó là cố Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  ngày ấy đã chuyển sang làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 có nhiệm vụ mở con đường huyền thoại này. Người thứ hai là cụ Nguyễn Tường Lân – nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từng cùng bộ đội Trường Sơn làm nên con đường huyết mạch trọng yếu này để đảm bảo tuyến vận tải chiến lược thông suốt cho chiến trường miền Nam. Phim còn ghi nhận tình cảm và những kỷ niệm của một nhóm cựu chiến binh Lào, trong đó có Chủ tịch Liên hiệp các Hội Cựu chiến binh tỉnh Khăm Muộn – mgười từng tham gia mở và bảo vệ đường 20 – Quyết Thắng. Đạo diễn Dương Hùng Phong cho biết trong quá trình tìm lại các nhân chứng lịch sử, vô tình đoàn làm phim đã gặp được một trong những người chiến sĩ lái xe vận tải dọc con đường này năm xưa giờ đã trở thành một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Và nhờ vậy, có nhiều chi tiết, nhiều câu chuyện bất ngờ không có trong kịch bản.

4 tập phim được hoàn tất sau gần 5 tháng ròng rã với kinh phí khiêm tốn hơn 200 triệu đồng. Ông Phùng Bá Tuấn thổ lộ, cá nhân ông dành rất nhiều tâm huyết cho bộ phim này, vừa là món quà tri ân kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Trường Sơn lịch sử, vừa như nén tâm nhang tri ân những người đã không tiếc tuổi xuân và công sức, hy sinh xương máu để làm nên con đường huyền thoại này. Và hơn thế, bộ phim cũng là gửi gắm tình yêu đất nước, yêu Tổ quốc đến mọi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ sau này.