Việt hóa phim Hàn:

Phim “lai” - cứ phải thủ thế

ANTĐ - Những tập đầu tiên của bộ phim “Người mẫu” vừa khởi chiếu còn chưa kịp “nóng” sóng giờ Vàng, thêm một bộ phim Việt hóa nữa từ kịch bản phim  Hàn Quốc với tựa đề lãng mạn “Cầu vồng tình yêu” tiếp tục trình làng trong sự ngỡ ngàng của khán giả. Người xem thấp thỏm chờ đợi các “bản sao”, nhà sản xuất cũng lo âu không kém dù đã tiên liệu trước rằng kiểu gì phim của mình cũng bị “soi” đến từng milimet!

“Cầu vồng tình yêu” nhận được đánh giá tích cực từ phía Hội đồng thẩm định VTV


Lo không hay bằng phim gốc

“Cầu vồng tình yêu” với độ dài 85 tập là bộ phim truyền hình dài hơi nhất từ trước đến nay của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC). Đây có lẽ cũng là dự án phim gây nhiều bất ngờ nhất của VFC bởi giữa lúc các bộ phim “lai” kiểu này chưa được lòng người xem và các nhà làm phim tư nhân cũng phải dè dặt cầm chừng không dám dấn sâu vào sản xuất thì một hãng phim Nhà nước lại đứng ra làm với độ dài kỷ lục.

Sự mạnh dạn này theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC là bởi kịch bản gốc của phim quá hay, lại mang hơi thở thời đại cao nên rất lâu rồi VFC mới quyết định đầu tư một bộ phim cẩn thận và nhiều tâm huyết đến thế. Tuy nhiên lãnh đạo VFC cũng không ngại ngần thổ lộ: “Giá đây không phải bộ phim Việt hóa thì sẽ mãn nguyện hơn nhiều”. Sở dĩ vậy bởi đã mang tiếng phim Việt hóa thì chưa biết hay dở thế nào, việc đầu tiên là bị mang tiếng bắt chước phim nước ngoài, mặc dù làm lại và bắt chước là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Đó là còn chưa kể phim bị gán với rất nhiều cụm từ khó nghe khác như “hàng nhái” hay “bản nháp”. Mà điều này không chỉ gây sức ép với nhà làm phim mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người xem khi phim lên sóng. Như lời bộc bạch chân thành của đạo diễn Hồng Sơn thì: “Thà khán giả xem Cầu vồng tình yêu rồi phản ánh phim chưa hay còn hơn là mang tiếng phim nhái Hàn Quốc”.

Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều nhà sản xuất phim khi bắt tay vào Việt hóa một bộ phim ngoại. Sức ép từ việc bị “soi” với “cái bóng” của phim gốc nên giả nếu có làm thì phải làm theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”. Như trường hợp mới đây, một bộ phim Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc là “Tình yêu trong sáng” đang chiếu trên sóng Đài Truyền hình TP.HCM, dù giữ nguyên tên gốc của bộ phim song khi lên sóng lại chẳng thấy có dòng chữ nào giới thiệu rằng đây là phim Việt hóa, thay vào đó là kịch bản do nhóm tác giả trong nước chuyển thể. Phim chưa trình chiếu ở các Đài lớn trong nước, ít người biết đến nên chẳng mấy ai thắc mắc. Còn người trong cuộc khi được hỏi thì phải thừa nhận rằng vạn bất đắc dĩ mới phải làm thế để đỡ bị đem ra so sánh rồi bị “hạ gục” bởi những lý do rất cảm tính như không hay bằng phim gốc. Vạn sự khởi đầu nan, phim Việt hóa bảo sao dù đang lên sóng ồ ạt vẫn cứ phải “thủ thế” là vậy!

Vẫn chưa hết thời

Hai trong số các bộ phim Việt hóa từ kịch bản phim Hàn Quốc cùng lúc lên sóng giờ Vàng, đã có ý kiến khắt khe nói rằng “giờ vàng chiếu phim nhái” khiến các nhà làm phim phải chột dạ. Tuy nhiên, chưa bàn đến phản ứng trái chiều từ dư luận thì được biết cả “Người mẫu” lẫn “Cầu vồng tình yêu” đều nhận được những ý kiến đánh giá tích cực từ phía Hội đồng thẩm định phim của VTV, rằng đó là những bộ phim xem được. Mà rõ ràng, sau những “tai nạn” khi để phim dở lên sóng giờ Vàng thì nhà Đài cũng chẳng dại gì “mở sóng” cho những bộ phim không đảm bảo về chất lượng đến với người xem. “Người mẫu” mới chiếu được vài tập đầu và dấu ấn ban đầu mà nó để lại là phim làm về những tình huống có thật mà giới người mẫu Việt đã ít nhiều trải qua ngoài đời chứ không phải về đời sống của giới “vơ đét” ở tận xứ sở Kim chi.

Và nếu so với bộ phim gốc ra mắt cách đây 14 năm thì rõ ràng bộ phim Việt hóa này mang hơi thở cuộc sống thời nay rõ nét hơn chứ không bị vấp phải lỗi “sao y bản chính”. Đó là chưa kể nhà làm phim cũng rất “chịu chơi” khi mời hẳn dàn diễn viên tham gia đóng trong phim đều là người mẫu thứ thiệt với mong muốn họ có thể đem đến cảm xúc chân thực cho từng thước phim. Ngay cả ca sĩ thể hiện bài hát chủ đề trong phim - Hồ Ngọc Hà cũng là một người mẫu tên tuổi trong làng thời trang Việt.

Còn riêng về “Cầu vồng tình yêu”, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định đã xem từ tập đầu tiên đến tập cuối cùng của bộ phim Việt hóa này và nhận thấy đây là một bộ phim hấp dẫn người xem và nhận được phản hồi tốt từ phía Hội đồng thẩm định. Cũng bởi nhận thấy tín hiệu khởi sắc này nên sau một thời gian dài tạm ngừng Việt hóa kịch bản phim nước ngoài, nhà Đài sẽ mở cửa đối với những kịch bản chuyển thể tốt thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc của nhà sản xuất. Và trong thời gian tới VTV sẽ tính đến việc mua bản quyền kịch bản tốt của các đơn vị làm phim bên ngoài để sản xuất dài hơi.