Phim điện ảnh "Em và Trịnh": Bản nhạc tình không biết đâu là "nốt chính"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tựa đề phim khiến người ta mường tượng nhân vật "em" hẳn là một cô gái có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đạo diễn phim cũng từng chia sẻ, kịch bản phim được xây dựng dựa trên mối tình đặc biệt giữa vị nhạc sĩ tài hoa với một nữa giáo sư người Nhật. Tuy nhiên xuyên suốt 136 phút bản phim "Em và Trịnh" nhắc tới 4 cô gái và bóng hồng người Nhật thậm chí có phần mờ nhạt hơn so với hai "nàng thơ" khác là Dao Ánh và Khánh Ly. 

Gọi Khánh Ly là "nàng thơ" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật ra không hẳn đúng. Vì sau khi ông qua đời, Khánh Ly không ít lần được hỏi và đều gọi tên mối quan hệ giữa mình với vị nhạc sĩ họ Trịnh là tri kỷ chứ không yêu nhau. Nữ danh ca nửa đùa nửa thật tự nhận mình không cạnh tranh nổi với các bóng hồng tài sắc xung quanh ông.

Về phần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có giai thoại rằng một lần người bạn thân thiết với ông hỏi thẳng liệu giữa ông với Khánh Ly có mối duyên gì hay không, ông chỉ cười rồi nhẹ nhàng buông hai câu hát: "Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau". Vả lại như lời Khánh Ly thì tri kỷ của bà có nguyên tắc bất di bất dịch là không yêu phụ nữ đã có gia đình nên không có chuyện giữa cả hai nảy sinh tình cảm riêng tư. Nữ danh ca từng kể, thời điểm gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà vẫn là người phụ nữ đang có chồng con và ít nhiều vẫn hướng tình cảm về người chồng của mình.

Bùi Lan Hương trong vai danh ca Khánh Ly

Bùi Lan Hương trong vai danh ca Khánh Ly

Nhân vật Khánh Ly hiện lên trong "Em và Trịnh" được khắc họa khá rõ rệt về cá tính, tài năng. Ca sĩ Bùi Lan Hương - người đảm nhận vai diễn này ghi điểm bởi lần đầu bén duyên phim ảnh, lại nhận một vai cực "nặng cân" nhưng đã để lại dấu ấn riêng về diễn xuất với việc khiến người xem thấy thấp thoáng bóng dáng của Khánh Ly ngoài đời thật. Song khách quan mà nói, ngoại trừ khâu tạo hình, trang điểm, thì nếu ai từng có dịp nghe nữ danh ca nói chuyện ngoài đời thật sẽ thấy, Khánh Ly trên phim khác nhiều so với Khánh Ly ngoài đời thật, từ cách nói chuyện hấp tấp, tưng tửng, đôi chỗ cộc lốc...đến cách ứng xử nhiều khi bị cho là kém duyên khi mới gặp lần đầu đã sán vào đút ăn cho nhạc sĩ họ Trịnh.

Ngay từ phần giới thiệu mở đầu, phía êkip sản xuất phim "Em và Trịnh" có ghi chú đại loại rằng những thước phim có tình tiết hư cấu, song hư cấu đến mức khiến người xem cảm giác như giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Khánh Ly tồn tại thứ tình cảm nam nữ tựa như tình yêu, nhất là chi tiết Khánh Ly rưng rưng chạy lại ôm eo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ phía sau một cách tình tứ như ôm người trong mộng giữa khung cảnh núi đồi hoang vắng, khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng. Hay như chi tiết cả hai không ngại ngần ăn chung một chiếc thìa, thậm chí người này bón cho người kia ăn. Nếu ai không mấy quan tâm và từng đọc được những chia sẻ ngoài đời từ chính danh ca Khánh Ly, hẳn xem phim xong rất có thể sẽ nghĩ bà thời trẻ từng là một trong những người tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Việc phải thêm thắt hư cấu khiến người xem hiểu nhầm về mối quan hệ tri kỷ giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, trong khi chính người trong cuộc - danh ca Khánh Ly từng không ít lần chia sẻ và còn nắm giữ rất nhiều câu chuyện thú vị về tình tri kỷ của cả hai, có thể xem là thất bại ngay từ khâu kịch bản phim, dù cho sau đó diễn xuất của cả vai chính lẫn thứ chính có hay đến thế nào.

Cô gái người Nhật vào vai Michiko trong phim

Cô gái người Nhật vào vai Michiko trong phim

Cũng ngay từ đầu khi công bố phim, phía êkip sản xuất có tiết lộ phim được xây dựng dựa trên giai thoại về câu chuyện tình giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nữ giáo sư người Nhật - Michiko Yoshii - người suýt làm đám cưới với nhạc sĩ họ Trịnh. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng bày tỏ tin tưởng giai thoại về chuyện tình xuyên biên giới này có đủ cả yếu tố kịch tính lẫn sự giao thoa văn hóa thú vị để dựng lên phim. Nói vậy hẳn cô gái người Nhật chính là nhân vật "em" mà bộ phim muốn khai thác. Song thực tế không hẳn vậy.

Nhân vật Michiko Yoshii xuất hiện trong "Em và Trịnh" như sợi dây dẫn dắt nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hồi tưởng lại những ký ức đã qua, ở đó có Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly và cả những năm tháng tuổi trẻ nhiều suy tư, trăn trở cùng hoài bão của vị nhạc sĩ tài hoa về thời cuộc. Hình ảnh cô du học sinh người Nhật hiện lên trong phim như nét chấm phá tươi sáng, mới mẻ, tràn đầy nhựa sống trong bức tranh phác họa một phần đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Song tiếc là giai thoại về chuyện tình xuyên biên giới này không có nhiều điểm nhấn, có chăng chỉ nằm ở vài phút phim nói về chuyến đi của cả hai đến Đà Lạt để phục vụ cho luận văn nghiên cứu về một góc nhạc Trịnh mà Michiko đang cố công thực hiện. Khung cảnh cô gái người Nhật nhảy chân sáo xuống từng bậc thang rồi hồn nhiên hát vang ca khúc "Ngẫu nhiên", hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhảy cùng người bạn gái ngoại quốc rồi nhẹ nhàng đặt nụ hôn lên môi cô...có lẽ cũng là hư cấu, nhưng là những sự hư cấu đẹp. Còn lại, những phân cảnh trò chuyện, tương tác khá cứng nhắc giữa cả hai không góp phần vẽ nên một bản nhạc tình lãng mạn, chưa nói gì đến hay và đẹp. Với những gì khá sơ lược được xây dựng trong phim, nhân vật Michiko không đủ trở thành nhân vật nữ chính trong tiêu đề "Em và Trịnh".

Hoàng Hà trong vai Dao Ánh

Hoàng Hà trong vai Dao Ánh

Có người nói vui, lẽ ra nhà sản xuất nên đặt tên phim là "Các em và Trịnh" hoặc "Trịnh và các em", bởi có tới vài "em" được nhắc đến trong phim, mà "em" nào cũng hiện lên như mối tình tha thiết nhất. Trong số đó, Dao Ánh chứ không phải Michiko mới là bóng hồng đem lại cảm giác nuối tiếc và day dứt nhất cho người xem, khiến người ta cảm giác rằng phim chính ra làm về mối tình Trịnh Công Sơn - Dao Ánh chứ không phải ai khác. Xuyên suốt phim là sự xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, mà dù ở "thì" nào, hình bóng của Dao Ánh vẫn cứ thấp thoáng trong suy tưởng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Đó là những lá thư chất chứa tâm sự, thổ lộ nhớ nhung, yêu đương, rồi kể cả bộc bạch nỗi lòng của anh chàng nhạc sĩ họ Trịnh rằng sẵn sàng bỏ lại tất cả chỉ để "mỗi sớm thức dậy được thấy Ánh ở bên". Đó là câu chuyện tình cảm bị cấm cản vì không môn đăng hộ đối. Đó còn là những nỗ lực không thành của cặp đôi khiến chuyện tình yêu rẽ lối đôi người đôi ngả... Trong "Em và Trịnh", mối tình cảm sâu nặng mà vị nhạc sĩ họ Trịnh dành cho Dao Ánh đi đến tận cuối phim, được xem là lý do chính khiến cô gái người Nhật rời xa ông.

Nhân vật vào vai Bích Diễm hiện lên mờ nhạt trong phim

Nhân vật vào vai Bích Diễm hiện lên mờ nhạt trong phim

Ít được nói đến nhất trong phim là nhân vật Bích Diễm - cảm hứng để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nên ca khúc "Diễm xưa" và nhiều nhạc phẩm khác. Nhân vật này chỉ xuất hiện ở phần đầu phim và một phân cảnh nhỏ khác, sau đó biến mất hoàn toàn. Có một chi tiết rất hay ngoài đời thật từng được nguyên mẫu - bà Ngô Vũ Bích Diễm chia sẻ, đó là ngày quen nhạc sĩ họ Trịnh, bà từng đem tặng ông một cành dạ lan hương rất lớn trồng ở sân vườn nhà mình vì biết ông rất thích loài hoa này. Điều ấy đã gây "chấn động" mạnh ở ông và đem đến những cảm xúc sâu đậm về người con gái sống ở cố đô Huế. Tiếc là chi tiết "đắt" này không được đưa vào phim. Thay vào đó, nhân vật Diễm hiện lên một cách mờ nhạt, lờ đờ, vô hồn và không chút cảm động trước tấm chân tình của chàng nhạc sĩ trẻ họ Trịnh.

Không thể phủ nhận nhà sản xuất "Em và Trịnh" đã dũng cảm khi chi tới vài chục tỷ đồng, mất nhiều năm trời để theo đuổi dự án này. Có điều, những thước phim vẫn để lại nhiều tiếc nuối vì sự dàn trải, chỗ thiếu chỗ thừa, giống như một bản nhạc tình mà người ta không biết đâu là nốt chính.