Canada phản đối hành động làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc

Philippines ra tuyên bố mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc, cảnh báo nguy cơ xung đột ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 5-4, Trợ lý Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng, việc hàng trăm tàu được cho là tàu dân binh Trung Quốc hiện diện liên tục ở Biển Đông có thể dẫn đến “những xung đột không mong muốn”.
Hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc ở khu vực gần bãi đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc ở khu vực gần bãi đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Theo ông Salvador Panelo, sự hiện diện trong thời gian dài của các tàu Trung Quốc ở gần bãi Đá Ba Đầu ở cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa là động thái không được hoan nghênh trong quan hệ song phương và “có thể châm ngòi xung đột mà cả hai nước đều không mong muốn”.

“Chúng ta có thể đàm phán về các vấn đề cùng quan tâm và cùng có lợi, tuy nhiên, đừng nhầm lẫn về điều đó - chủ quyền là không thể thương lượng” - ông Panolo tuyên bố, đồng thời nói rằng Philippines “sẽ không bị mờ mắt” trước những hành động hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh viện trợ hàng triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Phát biểu trên của ông Panelo được cho là tuyên bố mạnh mẽ nhất từ Văn phòng Tổng thống Philippines nhằm phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Đại sứ quán của Trung Quốc tại Manila chưa có bình luận gì về việc này.

Trước đó, ngày 4-4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng cảnh báo, Trung Quốc đang tìm cách chiếm thêm nhiều khu vực ở Biển Đông, nhấn mạnh sự hiện diện liên tục của các tàu Trung Quốc tại cụm đảo Sinh Tồn. Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh sự hiện diện áp đảo của các tàu Trung Quốc tại cụm đảo Sinh Tồn đã làm gia tăng căng thẳng, bất ổn và cho thấy Trung Quốc đang phớt lờ cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.

Việc Trung Quốc đưa hơn 200 tàu hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động đánh dấu một bước leo thang đáng lo ngại ở Biển Đông. Nhiều quốc gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước những động thái trên và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực này, chấm dứt hành động gây hấn.

Mới đây nhất, Canada là quốc gia tiếp theo đã lên tiếng phản đối những động thái của Trung Quốc đưa tàu đến cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong một đoạn tin trên Twitter, Đại sứ Canada tại Philippines Peter MacArthur khẳng định, Canada phản đối các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng, các hành động này làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Diễn biến này cho thấy chính quyền Canada ngày càng quan tâm đến tình hình Biển Đông theo chiều hướng bảo vệ quyền tự do hàng hải và phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Trước đó, trên Twitter, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhiko cũng nhấn mạnh: “Các vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và là mối quan tâm của tất cả các bên. Nhật Bản kịch liệt phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Nhật Bản ủng hộ việc thực thi pháp quyền trên biển và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình”. Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson cũng nêu rõ: “Australia lo ngại về những hành động gây bất ổn, có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Australia ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm. Các bên cần tuân thủ những quy tắc và chuẩn mực quốc tế trên tuyến đường biển quan trọng này”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Hành động này vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giữa ở Biển Đông (COC). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.

Nhật Bản theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Quốc đi qua eo biển Miyako

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, vào hôm 3-4, tàu sân bay Liêu Ninh cùng năm tàu hộ tống của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako, tuyến đường thủy quan trọng ngoài khơi Nhật Bản kết nối nước này với Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc được phát hiện vào khoảng 8h ngày 3-4-2021, khi nó cách quần đảo Danjo thuộc tỉnh Nagasaki khoảng 470 km về phía tây nam. Sau đó, đội tàu này đã đã đi qua eo biển Miyako, tuyến đường thủy rộng 250 km giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, trước khi tiến ra Thái Bình Dương.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc tập trận giữa hải quân Mỹ và Australia diễn ra ở Đông Thái Bình Dương. Các tàu hộ tống cho tàu sân bay Liêu Ninh bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Renhai, hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Luyang III, một khinh hạm đa năng Jiangkai II và một tàu hỗ trợ tác chiến nhanh lớp Fuyu.

Phản ứng trước hành động trên, Nhật Bản đã triển khai tàu khu trục JS Suzutsuki, một máy bay tuần tra hàng hải P-1 và một máy bay tuần tra chống ngầm P-3C để giám sát các tàu Trung Quốc. Ngoài hoạt động trên biển, một máy bay vận tải quân sự Y-9 của Trung Quốc cũng đã đi qua eo biển Miyako, khiến Nhật Bản cũng phải điều một máy bay chiến đấu phản lực theo dõi.