Philippines kêu gọi Việt Nam và ASEAN thống nhất cách đối phó Trung Quốc

ANTĐ - Tổng thống Phillipines cho biết, Manila đang kêu gọi 4 nước AEAN bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, để thống nhất cách thức đối phó với Trung Quốc trong vấn đề liên quan đến biển Đông.

Quốc hội kêu gọi người dân Việt Nam phát huy tinh thần đoàn kết và truyền thống yêu nước

Dù Quốc hội không đưa ra nghị quyết, tuy nhiên, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII ngày 24-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa đã dành thời gian nói về tình hình biển Đông, đồng thời nhấn mạnh: 
Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Đông; làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Philippines kêu gọi Việt Nam và ASEAN thống nhất cách đối phó Trung Quốc ảnh 1
Cú đâm đầy ác ý của tàu Trung Quốc (trái) vào mạn phải tàu kiểm ngư 951 khiến con tàu này nghiêng hẳn một bên - Ảnh: Văn Vững/Tuổi trẻ


Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Quốc hội Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quốc hội, nghị sĩ quốc hội, các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đã và đang tiếp tục đồng tình, ủng hộ Việt Nam, lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc đình chỉ ngay những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Philippines kêu gọi Việt Nam và các nước ASEAN thống nhất cách đối phó Trung Quốc

Ngày 24-6, hãng tin Kyodo dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng, Manila đã nối lại kế hoạch kêu gọi tổ chức một cuộc họp giữa 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa đang trong tình trạng tranh chấp ở biển Đông, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, để đề ra một lập trường chung về cách thức đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo này.
Trả lời phóng viên, ông Aquino cho biết: “Chúng tôi đã nói với họ rằng, chúng tôi sẽ thảo luận với các nước ASEAN anh em, đặc biệt là ba nước có tuyên bố chủ quyền (khác) đang chuẩn bị tiến hành cuộc gặp với Trung Quốc để chúng tôi có một lập trường chung”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng Manila đang cố gắng “tạo sự đồng thuận giữa các nước tuyên bố chủ quyền và hy vọng các bên sẽ nhất trí để chúng tôi có thể lên lịch trình”.
Ngoại trưởng  Albert del Rosario cho biết, Philippines sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc họp này, mà ông hy vọng sẽ diễn ra trước hội nghị ngoại trưởng ASEAN, dự kiến vào tháng 8 tới ở Myanmar.
Ông Albert del Rosario khẳng định, Manila sẽ hối thúc đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc ngừng công việc lấn biển tại những vùng biển tranh chấp, như bãi Johnson South (Gạc Ma) và Fiery Cross (Đá Chữ Thập) ở quần đảo Trường Sa.

Báo Thế giới (Pháp) chỉ đích danh Trung quốc đe dọa hòa bình
Trên trang nhất báo Thế giới (Pháp) số ra ngày 24-6 đã dành 2 trang để phân tích tình hình trên biển Đông và tham vọng của Trung quốc tại vùng biển này.

Trang nhất tờ báo với bức ảnh lớn có tiêu đề “Trung Quốc tăng cường khiêu khích và đe dọa hòa bình ở biển Đông”. Bức ảnh tàu lớn của Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu nhỏ của Việt Nam kèm chú thích: “Trung Quốc gây hấn với các nước láng giềng Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, khi công khai khi kín đáo, để đòi chủ quyền trên biển”. 
Bên trong là 2 trang báo khổ lớn, với các bài do phóng viên báo này gửi về từ Bắc Kinh, Hà Nội và Tokyo. Toàn bộ các bài báo phân tích một cách khách quan và từ nhiều hướng về thực chất những gì đang diễn ra trên vùng biển Đông. Bài báo trên trang 2, với tiêu đề “Trung Quốc áp đặt điều kiện trên biển Đông” phân tích tham vọng của Trung Quốc. Theo bài báo, thì “tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đã buộc các nước láng giềng phải phản ứng”.

Trang 3 là bài phóng sự có đầu đề “Rượt đuổi trên các đảo Paracels”, từ tiếng Pháp để chỉ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam của phóng viên Bruno Philip. Tác giả bài báo cho biết đã thấy “trên tàu Kiểm ngư của Trung Quốc có súng máy 12 ly 7, cộng với nòng một khẩu pháo 20 ly đã tháo bạt” và cho độc giả thấy rõ hành động ngang ngược và hung hãn của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa Việt Nam. Bài báo cũng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, nhấn mạnh việc Trung Quốc dường như “không muốn nghe nói tới luật pháp quốc tế”. 

Còn trên tờ Le Figaro số ra ngày 20-6 đăng tải bài viết có tựa đề "Trung Quốc thổi bùng lên tranh cãi về biển đảo với Việt Nam", nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở biển Đông đầu tháng 5-2014 chính là nguyên nhân dẫn tới các vụ tấn công bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam. Bài báo cũng khẳng định, với hành động đưa giàn khoan thứ 2 vào biển Đông tuần vừa qua, Trung Quốc đang tiếp tục thổi bùng cuộc xung đột về biển đảo với Việt Nam. 

Trong khi đó, tờ báo Nhân đạo (l'Humanité) số ra ngày 20-6 cũng đăng tải việc Trung Quốc đã quyết định đưa 4 giàn khoan vào biển Đông. Bài báo khẳng định hành động của Trung Quốc ngày càng thể hiện các tham vọng về lãnh thổ tại các vùng bờ biển chung với các nước láng giềng. 

Bài báo trích dẫn tuyên bố ngang ngược và thách thức dư luận quốc tế của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho rằng: "Ai cũng có quyền làm mọi thứ trước nhà mình bất chấp những quan ngại của người khác". 

Hiện 2 trong số 4 giàn khoan của Trung Quốc đang được đặt ở ngoài khơi Hồng Kông và 1 giàn khoan khác đang trên đường tiến vào khu vực mà Trung Quốc đã lắp đặt các giếng khoan cách đây 5 năm.